Bám bản làng, giúp đồng bào phát triển kinh tế

Công ty 72 (Binh đoàn 15) đứng chân trên vùng biên giới tỉnh Gia Lai, địa bàn chủ yếu là các bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi căn cứ địa cách mạng. Với phương châm 'Kiên quyết không để cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đói, nghèo', cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động của đơn vị đã phát huy truyền thống cao đẹp của 'Bộ đội Cụ Hồ', bằng những mô hình sáng tạo, thiết thực giúp người dân phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, gắn bó với làng quê biên giới, thắt chặt mối quan hệ quân dân bền chặt.

Cán bộ Công ty 72 (Binh đoàn 15) cung cấp nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Gia Lai.

Cán bộ Công ty 72 (Binh đoàn 15) cung cấp nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Gia Lai.

Công ty 72 (Binh đoàn 15) đứng chân trên vùng biên giới tỉnh Gia Lai, địa bàn chủ yếu là các bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi căn cứ địa cách mạng. Với phương châm “Kiên quyết không để cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đói, nghèo”, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động của đơn vị đã phát huy truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng những mô hình sáng tạo, thiết thực giúp người dân phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, gắn bó với làng quê biên giới, thắt chặt mối quan hệ quân dân bền chặt.

Đổi mới tư duy, quyết tâm vượt khó

Thượng tá Hà Trọng Bảo, Giám đốc Công ty 72 cho biết: Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị được giao đó là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên vùng biên giới, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 72 đã quyết tâm đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, xác định những chủ trương, giải pháp phù hợp, khắc phục khó khăn do giá mủ cao-su xuống thấp, do tác động bởi dịch Covid-19... để tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ. Tổ chức khảo sát, khai hoang, mở rộng diện tích cây trồng, vận dụng khoa học, kỹ thuật vào các khâu như trồng trọt, khai thác, chế biến, nâng cao chất lượng vườn cây, tăng năng suất, hiệu quả lao động. Từ một miền đất hoang vu, dân cư thưa thớt, thiếu đói, tình hình an ninh, chính trị còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, cùng với cấp ủy chính quyền địa phương và các đơn vị bạn, Công ty 72 đã tiếp sức từng bước góp phần đưa vùng biên giới Gia Lai phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa - xã hội - quốc phòng, an ninh, trở thành một trong những đơn vị điển hình về phát triển sản xuất và phong trào giúp đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Đến nay, Công ty đã triển khai trồng và khai thác hơn 6.707 ha cao-su; trồng và bàn giao cho người dân địa phương canh tác 15,6 ha lúa nước; thu hút và giải quyết việc làm cho 2.372 lao động, trong đó có 904 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Từ những người dân “du canh, du cư”, gieo trồng theo phương thức: chặt, đốt, chọc tỉa... không biết gì về cây công nghiệp, đến nay, nhờ sự tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 nói chung, Công ty 72 nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên vùng biên giới Gia Lai đã biết trồng, khai thác, chế biến cao-su, cà-phê, điều, lúa nước. Cuộc sống người dân ổn định, phát triển.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển sản xuất, đơn vị còn thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Khảo sát và giúp địa phương làm mới và nâng cấp hơn 15 km đường nhựa, đường bê-tông; xây dựng, sửa chữa và bàn giao 16 căn nhà cho các gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 15,76 tấn gạo cho bà con mùa giáp hạt; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 3.554 lượt người; vận chuyển hàng nghìn mét khối nước sạch cung cấp cho người dân vùng nắng hạn; tuyển dụng mới 109 lao động là con em đồng bào các dân tộc trên vùng biên giới. Thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, tổ chức kết nghĩa 18 đơn vị với 18 thôn làng; gắn kết 1.012 cặp hộ giữa gia đình công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, xây dựng bản làng văn hóa, đẩy lùi đói nghèo và các tập tục lạc hậu. Nhiều thôn làng, nhiều hộ dân người Giơ Rai đã biết trồng cây công nghiệp, cây lúa nước... cho nên đến nay, tất cả các hộ gia đình đã thoát nghèo, hơn 30% khá giả, giàu có. Kinh tế phát triển, nét đẹp văn hóa về tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết quân dân, đoàn kết các dân tộc trong thôn làng, khu dân cư được vun đắp, củng cố. Đây là yếu tố quan trọng để đánh đuổi tà đạo Tin lành Đê ga ra khỏi đời sống của người dân. Những việc làm thiết thực, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Công ty 72 đã để lại tình cảm sâu đậm trong lòng người dân, hình ảnh “người bộ đội trên mặt trận kinh tế” luôn tỏa sáng và đồng hành cùng với sự phát triển của các thôn làng vùng biên giới Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Bám thôn làng, làm dân vận

Trước thực trạng một số vườn cao-su già cỗi, đã khai thác hơn 25 năm, cho nên năng suất thấp, được sự đồng ý của cấp trên, từ năm 2017 đơn vị đã có chủ trương thanh lý, tái canh. Cùng với việc trồng mới, công ty đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trồng hơn 658 ha đất tái canh cây cao-su để trồng xen cây lúa. Mô hình nêu trên không chỉ mở rộng diện tích cây trồng cho người dân, mà còn tiếp sức cho hàng nghìn hộ dân nghèo ở vùng biên giới Gia Lai phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiệu quả thiết thực của mô hình này đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, triển khai nhân rộng và đã lan tỏa khắp các bản làng của vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên.

Với phương châm “bám thôn làng, bám dân, tiếp sức giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, vừa tập trung sản xuất, kinh doanh, vừa tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân địa phương bỏ qua những hủ tục lạc hậu, xây dựng lối sống văn hóa, nhất là biết tận dụng thời gian để lao động, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đơn vị còn cử hàng trăm cán bộ cùng các phương tiện cung cấp nước sạch cho đồng bào DTTS vùng biên giới mùa khô, rồi đến làng, đến nhà, đến tận cả nương rẫy để hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, hỗ trợ hạt giống, phân bón và đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng cây “lấy ngắn nuôi dài”. Nếu trước đây, người dân trồng lúa bằng cách chọc lỗ, bỏ hạt, khi lúa chín thì dùng liềm gặt về đập, tuốt... Đến nay điều ngạc nhiên và đáng mừng là nhiều gia đình đã biết dùng xe gặt - đập để đưa vào thu hoạch lúa. Ngày trước tuốt xong lúa, người dân vứt hoặc đốt rơm, rạ khói mù mịt, ô nhiễm môi trường, còn bây giờ rơm được người dân cho lên xe công nông chở về, số cho trâu bò ăn, số làm nấm, vun gốc cà-phê, hồ tiêu. Với mô hình “Giúp dân trồng lúa trên đất tái canh cây cao-su” của Binh đoàn 15 nói chung, Công ty 72 nói riêng, đến nay đã có hàng nghìn hộ gia đình đồng bào DTTS trên vùng biên giới tỉnh Gia Lai được hưởng lợi từ hiệu quả của mô hình này mang lại.

Đánh giá hiệu quả công tác dân vận nói chung, mô hình trồng lúa trên đất tái canh cây cao-su của Công ty 72 nói riêng, đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực huyện Đức Cơ (Gia Lai) khẳng định: Từ ngày Binh đoàn 15 có chủ trương và chỉ đạo Công ty 72 và một số đơn vị thực hiện, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa từ mô hình đem lại. Mặc dù còn khó khăn, do giá mủ cao-su xuống thấp, nhưng Công ty 72 vẫn luôn hướng về cuộc sống của người dân địa phương. Đất ở đây hiện nay được thương lái thuê 1 ha/1 năm/ từ 15 đến 17 triệu đồng, để trồng khoai lang Nhật Bản, trồng dưa hấu bán Tết..., nhưng đơn vị vẫn ưu tiên để cho người dân trồng lúa. Cây lúa quân dân trên đất tái canh, là mô hình rất thiết thực, phù hợp người dân địa phương. Cây lúa trên núi giúp đồng bào DTTS vùng biên giới nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều gia đình giàu lên.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bam-ban-lang-giup-dong-bao-phat-trien-kinh-te-638367/