Bám công địa 'xuyên Tết' trên tuyến cao tốc bắc-nam

Khi thời điểm Tết cận kề, không khí Xuân đoàn viên đã rộn ràng khắp các làng quê, khối phố, thì trên công trường thi công tuyến cao tốc bắc-nam, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn ngày đêm bám trụ công địa, thi công 'xuyên Tết' nhằm mục tiêu hoàn thành sớm tuyến đường thiên lý 'xương sống' của đất nước.

Các đơn vị nhà thầu huy động nhân lực, phương tiện thi công cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Các đơn vị nhà thầu huy động nhân lực, phương tiện thi công cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Thi công thực chất

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải, đối với các dự án thành phần cao tốc bắc-nam đang thi công, Cục đã có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý dự án xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong dịp Tết.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị phải xây dựng rõ phương án huy động máy móc, thiết bị, nhân lực thế nào, vật liệu tập kết ra sao cho phù hợp, bảo đảm thi công trong Tết phải thực chất, không phải thi công theo kiểu trống giong cờ mở, hình thức, phong trào.

Tuyến chính cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (thuộc dự án cao tốc bắc-nam) dài 99km là công trình quy mô cấp đặc biệt, quy mô 4 làn xe, chiều rộng mặt đường (phân kỳ) 23,5m, vận tốc thiết kế 120km/giờ.

Dự án có 6 nút giao khác mức, 65 cầu, tổng mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư.

Theo Giám đốc Ban Điều hành dự án Đặng Hùng Thái, trên toàn tuyến Phan Thiết-Dầu Giây, các đơn vị, nhà thầu đã huy động hàng nghìn công nhân, kỹ sư cùng thiết bị, máy móc, áp dụng “3 ca, 4 kíp”, thi công liên tục và hoàn thành thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch vào ngày 31/12/2022, ô-tô có thể chạy liền mạch xuyên suốt.

Cần phải nhắc lại rằng, trong quá trình triển khai 2 năm vừa qua, tiến độ dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các yếu tố khách quan. Trong 2 năm thi công (2021-2022), tổng số ngày mưa lên tới 305 ngày (năm 2021 có 155 ngày; năm 2022 là 150 ngày. Nhiều thời điểm mưa lớn liên tục kéo dài, nhà thầu phải đóng máy nghỉ, dừng thi công tới nửa tháng.

“Đó còn chưa kể ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, vật liệu phục vụ thi công dự án trong khoảng nửa năm”, ông Đặng Hùng Thái cho biết.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải phát động thi đua 120 ngày đêm, các nhà thầu đã dồn mọi nguồn lực thi công bù đắp tiến độ bị chậm, huy động thêm 100 nhân lực, 200 máy thi công các loại, hơn 200 xe vận chuyển các loại, 4 trạm trộn bê-tông, xi-măng phục vụ thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi-măng, 3 trạm bê-tông nhựa, tổ chức thêm 20 dây chuyền thi công nền đường, 10 dây chuyền thi công móng cấp phối đá dăm, bê-tông, xi-măng...

Tiếp nối dự án Phan Thiết-Dầu Giây, dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết cũng thông xe kỹ thuật tuyến chính cuối năm 2022, đáp ứng đúng kế hoạch tiến độ yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

Theo Giám đốc điều hành dự án Phạm Quốc Huy, ngay từ đầu tháng 12/2022, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu lên kế hoạch làm “xuyên Tết” ở từng mũi thi công. Các nhà thầu phải bố trí nhân sự ít nhất 50% so ngày thường (với nhà thầu bám sát tiến độ) và 80% (nếu chưa đáp ứng tiến độ), tranh thủ thời tiết thuận lợi tiếp tục thảm những vị trí bê-tông nhựa cuối cùng (lớp C12,5) và các hạng mục an toàn giao thông, sơn vạch kẻ đường, lắp đặt tôn sóng... Phấn đấu đến giữa tháng 2/2023, quá trình thảm lớp bê-tông nhựa C12,5 sẽ kết thúc để cuối tháng 4/2023 có thể đưa vào khai thác theo đúng yêu cầu.

Tập đoàn Đèo Cả đảm trách việc thi công xây dựng hầm Trường Vinh, kế hoạch thi công Tết cũng đã được nhà thầu lên phương án, với cam kết rút ngắn tiến độ từ 1-3 tháng. Trong dịp Tết, Đèo Cả duy trì quân số khoảng 50 người, triển khai đổ bê-tông vỏ hầm dài khoảng 80-90m để bù tiến độ bị chậm trước đây do vật liệu về muộn.

Giấu kín nỗi nhớ nhà

Là nhà thầu nhận nhiệm vụ thi công 5,7km tuyến chính và 4,3km tuyến nối của gói thầu XL02, dự án thành phần cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Giám đốc ban điều hành gói thầu XL02 của nhà thầu Công ty cổ phần Lizen Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, tiến độ hiện tại của gói thầu đơn vị đảm trách đạt 55%, vượt so mốc tiến độ hợp đồng ký khoảng 2-3%. Đơn vị đã bố trí cán bộ, công nhân lao động duy trì làm “xuyên Tết”. Thi công dự án thời gian qua, nhà thầu quá rành rẽ mối lo, áp lực về tiến độ nên bất kỳ lúc nào thời tiết ủng hộ, công địa thuận lợi là sẵn sàng tăng ca, tăng kíp, sáng đèn thi công đến đêm muộn dù trong ngày nghỉ Tết.

Triển khai lu lèn, thảm bê-tông nhựa mặt đường dự án cao tốc bắc-nam đoạn Nghi Sơn-Quốc lộ 45.

Triển khai lu lèn, thảm bê-tông nhựa mặt đường dự án cao tốc bắc-nam đoạn Nghi Sơn-Quốc lộ 45.

Trong dịp Tết Nguyên đán này, nhà thầu Lizen bố trí 70 công nhân lái máy lu, máy xúc và đội ngũ kỹ thuật làm việc không nghỉ ngày nào để thực hiện thi công lu lèn nền đường. Từ mồng 1 đến mồng 3 Tết, việc thi công chỉ làm ban ngày, mồng 4 Tết, thời gian làm việc quay trở lại quỹ đạo bình thường.

“Nếu dự án khác, ở lại trực Tết chủ yếu chỉ trông coi công trường, bảo đảm an toàn đi lại, thì ở cao tốc bắc-nam làm Tết vẫn phải đạt năng suất như bình , bảo đảm sản lượng theo đúng kế hoạch đã đăng ký”, ông Tuấn chia sẻ.

Đại diện Ban điều hành dự án đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi và Hàm Nghi-Vũng Áng cho biết, để tạo thuận lợi cho việc thi công đồng loạt tới đây, các nhà thầu đang tập trung làm các hạng mục đường gom, đường công vụ, bãi đúc dầm, thí nghiệm vật liệu. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể được lập, kế hoạch chi tiết theo từng ngày, từng tuần cũng được nhà thầu xây dựng, báo cáo việc thi công liên tục, duy trì xuyên Tết.

Sau khi thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 12/2022, áp lực tiến độ của dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết phần nào được giảm bớt. Tuy nhiên, vết dấu của khoảng thời gian “căng như dây đàn” về tiến độ, đôn đáo ngày đêm trên công trường đã khiến vị chỉ huy công trường Phạm Quốc Huy gầy rộc, đen nhẻm, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì mất ngủ.

“Lăn lộn với ngành giao thông ngót nghét 20 năm, nhưng bản thân tôi chưa gặp dự án nào căng thẳng, phát sinh nhiều vấn đề như dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Cũng chưa có dự án cao tốc nào yêu cầu thi công gấp rút chỉ trong 24 tháng. Dịp Tết Nguyên đán năm trước, do dịch bệnh hoành hành và mưa lớn kéo dài, cản trở tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án yêu cầu các đơn vị phải xây dựng kế hoạch thi công xuyên Tết ở tất cả các gói thầu”, anh Phạm Quốc Huy cho biết.

Trước Tết Nguyên đán năm 2022 khoảng 4-5 tháng, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đã khiến kỹ sư, người lao động phải “án binh bất động”, thực hiện giãn cách xã hội.

Sang Tết Nguyên đán 2023, tâm lý người lao động ai cũng muốn tranh thủ một vài ngày về quê, vừa tận hưởng niềm vui sum họp, thay đổi không khí sau chuỗi ngày dài làm việc miệt mài tại công trường. “Nghĩ đến cảnh ngày Tết, các gia đình quây quần đoàn tụ, cùng nhau dọn dẹp, sắm sửa chuẩn bị Tết, mình tuy nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, cách công trường không xa lắm, cũng không thể tranh thủ tạt về phụ giúp ông bà và vợ con. Những lúc đó, anh em tâm sự, động viên nhau gắng làm, giấu kín nỗi niềm nhớ nhà, nhớ quê để tập trung làm việc”, anh Phạm Quốc Huy chia sẻ.

Để thi công “xuyên Tết”, Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đều chuẩn bị vài ba món hương vị ngày Xuân như cành mai, cành đào, bánh chưng, bánh tét, hoa quả, kẹo bánh... Triển khai thi công Tết, dự án thu hút khoảng 600-700 nhân lực (40% tổng số nhân lực thường ngày). Kỹ sư, công nhân được tạm nghỉ từ chiều 30 Tết đến hết sáng mồng 1 để quây quần đón Giao thừa, chào Xuân mới trên công trường.

Theo tâm sự của nhiều anh em công nhân, do đây là công trình trọng điểm, doanh nghiệp trân trọng người lao động, đãi ngộ lương, thưởng xứng đáng nên khi phát động phong trào thi công, anh em hầu hết đều sẵn sàng, xung phong ở lại công trường luôn. Từ ban lãnh đạo điều hành dự án đến các đội thi công, tất cả anh em đều sẵn sàng chia sẻ, đồng cam cộng khổ.

Một lần nữa, người lao động sẵn sàng gác lại niềm riêng để góp công sức nhỏ bé của mình, thực hiện khát vọng nối liền cung đường thiên lý giữa hai đầu đất nước.

QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bam-cong-dia-xuyen-tet-tren-tuyen-cao-toc-bac-nam-post735572.html