Bám đất quê, xây cơ nghiệp

PTĐT - Những ngày này, không khí Tết ở xã miền núi Lương Nha, huyện Thanh Sơn nhộn nhịp hơn so với mọi năm. Những năm trước, đây là thời điểm hàng trăm thanh niên, người lao động trong xã...

Thay vì ý định quay trở lại Thái Lan lao động khi hết dịch COVID-19, anh Phùng Đình Văn ở xóm Lạc Song tập trung phát triển kinh tế tại gia đình.

Thay vì ý định quay trở lại Thái Lan lao động khi hết dịch COVID-19, anh Phùng Đình Văn ở xóm Lạc Song tập trung phát triển kinh tế tại gia đình.

PTĐT - Những ngày này, không khí Tết ở xã miền núi Lương Nha, huyện Thanh Sơn nhộn nhịp hơn so với mọi năm. Những năm trước, đây là thời điểm hàng trăm thanh niên, người lao động trong xã đang chú tâm làm việc ở nước ngoài để có tiền gửi về cho vợ con, bố mẹ già ở quê nhà lo Tết. Còn Xuân này, do ảnh hưởng của “cơn bão” COVID-19, nên nhiều lao động trong xã đã từ bỏ dự định sang đất lạ quê người làm ăn, mà bám trụ quê hương, tất bật với những công việc sản xuất - kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… với nguồn thu nhập đáng kể đủ lo cho gia đình đón Tết sung túc và làm giàu trong nay mai.

Sau khi vợ sinh cô con gái đầu lòng, chàng trai trẻ Phùng Đình Văn ở xóm Lạc Song quyết định theo bạn bè, người thân sang Thái Lan theo con đường du lịch để làm ăn. Vốn là lao động tự do không có việc làm ổn định, Văn nghĩ rằng chỉ còn cách thử đi xa một phen may chăng mới có thêm thu nhập phụ giúp vợ nuôi con. Năm 2019, đặt chân lên đất bạn và ở lại lao động trái phép bằng nghề bán hàng thuê với Văn cũng không ít nhọc nhằn. Để có được hơn chục triệu đồng tiền công mỗi tháng, anh phải đánh đổi tự do, sống và làm việc chui lủi nhất là khi bị cảnh sát truy đuổi. Đã thế, dịch COVID-19 hoành hành, buộc anh phải về nước hồi tháng 3/2020. Vậy là ước mơ xuất cảnh làm giàu của anh đã không thành.
Văn tâm sự: “Cuộc sống nhiều khi không như mơ. Tôi quyết định không lang thang đi làm thuê nữa mà ở nhà dựng chuồng trại, tận dụng đất bãi trồng cỏ, vay mượn họ hàng đầu tư chăn nuôi trâu bò vỗ béo. Cứ theo hướng này, mỗi năm trừ chi phí cũng thu lãi được gần 100 triệu đồng”. Nhìn đàn bò gần 20 con da bóng mượt cặm cụi ăn đống cỏ tươi do ông chủ vừa cắt, chúng tôi cảm nhận được quyết tâm bám trụ đất quê của chàng trai gần 30 tuổi từng trải nay đây mai đó này.

Không đi lao động Thái Lan, chị Lê Thị Nguyện ở xóm Đồi đầu tư chăn nuôi tại nhà, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Không đi lao động Thái Lan, chị Lê Thị Nguyện ở xóm Đồi đầu tư chăn nuôi tại nhà, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ngôi nhà hai tầng khang trang với khoảng sân rộng trồng nhiều loại cây trái ở xóm Đồi là mái ấm của gia đình chị Nguyện, anh Đức cùng cậu con trai 8 tuổi. Hàng xóm ở đây vẫn nói rằng, vợ chồng chị xây được nhà to là nhờ cả vào đồng vốn được tích cóp đi làm ở nước ngoài. Chị Nguyện kể: Năm 2015, khi con đã cứng cáp, anh chị để cháu ở nhà nhờ ông bà trông nom để sang đất bạn kiếm kế sinh nhai. Nhờ mở cửa hàng bán món nộm hải sản bên ấy mà anh chị tích cóp được kha khá tiền gửi về quê. Thỉnh thoảng nhớ con, anh chị lại đoảng về dăm ba hôm rồi đi. Khi con vào lớp 1, chị Nguyện về hẳn, còn anh tiếp tục ở lại bán hàng. Mỗi tháng cũng dành dụm được đôi ba chục triệu.Đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, anh Đức cũng buộc phải về nước. Tưởng chừng khó đường làm ăn, nhưng vợ chồng anh đã bàn bạc chuyển hướng cải tạo chuồng trại nuôi lợn, nuôi trâu bò. Hàng ngày, anh đi thu mua bò thịt bán cho cơ sở giết mổ. Anh Đức chia sẻ: “Làm giàu thì ai cũng muốn. Đi lao động chui có thể kiếm nhiều tiền hơn nhưng bấp bênh, nguy hiểm rình rập. Không gì bằng mình làm kinh tế ở nhà bởi sẽ có thêm thời gian dành cho gia đình, dạy bảo con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Diện mạo xã nông thôn mới Lương Nha ngày càng sạch, đẹp.

Diện mạo xã nông thôn mới Lương Nha ngày càng sạch, đẹp.

Năm 2020 toàn xã Lương Nha có khoảng 250 người đi lao động tại các nước, trong đó chủ yếu là đi Thái Lan theo con đường du lịch, thăm thân phải về nước do dịch bệnh. Trong số đó, nhiều người đã tìm cho mình hướng phát triển kinh tế ngay tại đất quê. Dịch bệnh đồng nghĩa với nguy hiểm, thử thách, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để mỗi người phải nghĩ khác và làm khác. Trước đây, nhiều người cứ nghĩ ở lại quê khó làm ăn, nhưng “cái khó ló cái khôn”.Trong số hàng trăm lao động buộc phải về nước cũng đã có rất nhiều người tìm thấy cho mình việc làm ổn định với thu nhập khá cao. Lương Nha là xã miền núi còn nhiều khó khăn với hơn 4.700 nhân khẩu, trong đó 74% là người dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ. Vì thế, bên cạnh sản xuất nông nghiệp với thế mạnh vùng chuyên canh khoảng 30ha trồng táo, 400ha đồi rừng cùng các cây trồng, vật nuôi khác, người dân trong xã còn mở hướng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Các cơ sở sản xuất chổi chít, nước uống tinh khiết, gia công cơ khí, nhóm thợ xây dựng và hơn 90 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ đã giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động. Thu nhập bình quân trong xã nay đã đạt trên 37 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo trong xã giảm dần, đến nay chỉ còn 37 hộ.Bám đất quê làm giàu bằng tư duy nhạy bén, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường đã và đang là hướng đi triển vọng giúp giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Lương Nha. Đây cũng là nền tảng, nguồn lực quan trọng để địa phương tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202102/bam-dat-que-xay-co-nghiep-175397