Bám địa bàn, chống buôn lậu theo chuyên đề

Mặc dù số lượng các vụ buôn lậu ở một số tỉnh miền Trung trong nửa đầu năm 2020 giảm, nhưng lại xuất hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là buôn lậu ma túy.

Tình trạng mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy tại các tỉnh miền Trung vẫn nóng bỏng. Ảnh minh họa

Tình trạng mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy tại các tỉnh miền Trung vẫn nóng bỏng. Ảnh minh họa

Có vụ số lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ lên đến hơn 400 nghìn viên, cho thấy, khu vực này tình hình buôn lậu vẫn còn rất nóng bỏng.

Bắt giữ nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn

Quảng Trị có đường biên giới giáp Lào dài khoảng 206 km, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn lối tắt do dân sinh tự mở, có đường sông Sê pôn dài khoảng 7,5km từ cửa khẩu Lao Bảo về địa bàn xã Tân Long, Hướng Hóa. Đây cũng là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và nằm gần với khu vực Tam giác vàng, nên tiềm ẩn cao nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, đặc biệt là ma túy qua biên giới.

Những năm gần đây, trên tuyến sông Se pôn, do địa hình phức tạp, các đối tượng lợi dụng lúc trời tối dùng thuyền máy vận chuyển hàng dọc bờ sông để đưa vào Việt Nam; sau đó, dùng xe thô sơ, xe kéo, thuê người vận chuyển về nội địa. Ngoài ma túy, còn có nhiều mặt hàng chủ yếu là thuốc lá ngoại, bia rượu ngoại, đường kính và đồ điện tử…

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Quảng Trị đã phát hiện 850 vụ, tổng hàng hóa vi phạm tịch thu là hơn 14 tỷ đồng. Tuy số vụ, giá trị hàng hóa bắt giữ giảm so với năm trước nhưng số vụ và đối tượng bị khởi tố hình sự trong 6 tháng là hơn 106 vụ và 158 đối tượng, cho thấy đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, liều lĩnh. Đáng chú ý, các lực lượng chức năng địa phương đã bắt giữ hơn 200 nghìn viên và 10 nghìn viên ma túy tổng hợp; 10 nghìn gam ma túy đá, 33 khẩu súng và hơn 4.000 viên đạn thể thao. Đặc biệt, ngày 29/6/2020 lực lượng Biên phòng Quảng Trị phối hợp với Ty An ninh tỉnh Savanakhet - Lào, đấu tranh thành công chuyên án QT 620L, bắt giữ 4 đối tượng người Lào, tang vật thu được là hơn 400 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Tại Quảng Bình, hàng vi phạm được phát hiện chủ yếu, gồm: ma túy tổng hợp, pháo, gỗ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, dược phẩm, máy móc các loại. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, số vụ buôn lậu giảm, song tình hình lại diễn biến phức tạp, tập trung tại khu vực của khẩu Cha Lo, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán và dịch Covid-19 diễn ra.

Trên khu vực biên giới biển, tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo, vật liệu nổ, điện thoại di động không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xảy ra. Thủ đoạn cất giấu ma túy là trong thùng xe ô tô lưu thông trên quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, cất giấu trong cửa hàng kinh doanh khu vực biên giới biển... Trong khi đó, các hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại đi qua địa bàn bằng ô tô vẫn diễn ra. Các đối tượng vận chuyển luôn có phương án đối phó với lực lượng chức năng và thường xuyên thay đổi phương tiện, đổi tuyến vận chuyển, thời gian, địa điểm giao nhận hàng.

6 tháng đầu năm, tại Quảng Bình đã phát hiện 973 vụ buôn lậu, giảm hơn 400 vụ so với cùng kỳ, trong đó xử phạt vi phạm hành chính là hơn 900 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu là hơn 15 tỷ đồng.

Nắm chắc thực tế, chủ động chống buôn lậu

Xác định chống buôn lậu và gian lận thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục triển khai các quy định về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020. Các tỉnh miền Trung nắm chắc tình hình thực tế, chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý. Trong đó, tập trung vào các nhóm mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật liệu xây dựng, rượu, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, gia súc, gia cầm...

Lãnh đạo các địa phương Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh qua cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính vừa qua cho biết, sẽ nhận diện, nắm chắc tình hình, phương thức hoạt động của các đối tượng, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; xác định các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt là việc buôn bán, vận chuyển các loại hàng cấm như ma túy, pháo, vật liệu nổ, động vật hoang dã, nuôi nhốt động vật quý hiếm; các mặt hàng tiêu dùng rượu ngoại, đường, sữa, thuốc lá...

Do có đường biên giới dài, giáp với nước bạn, Nghệ An sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu chính (cửa khẩu Nậm Cắn, cửa khẩu Cảng), các cửa khẩu phụ và lối mở, đường mòn nhằm đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, các chất ma túy, pháo nổ qua biên giới.

Theo ông Trịnh Mạnh Cường - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhìn vào thống kê có thể thấy số lượng vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn một số tỉnh miền Trung đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, song chất lượng và trị giá hàng hóa phát hiện, bắt giữ lại tăng rất cao. Điều đó chứng tỏ rằng các địa phương đã triển khai hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc điểm của một số tỉnh miền Trung đó là địa bàn có nhiều thuận lợi về giao thông, cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. “Điều này hỗ trợ rất tốt cho giao thương nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động gian lận thương mại. Do đó, để tăng cường hơn nữa hiệu quả của hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương cần chỉ đạo lực lượng rà soát, bám sát địa bàn để triển khai các kế hoạch chuyên đề, chuyên sâu” - ông Trịnh Mạnh Cường nói.

Lãnh đạo các địa phương Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh qua cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính vừa qua cho biết, sẽ nhận diện, nắm chắc tình hình, phương thức hoạt động của các đối tượng, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; xác định các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-07-27/bam-dia-ban-chong-buon-lau-theo-chuyen-de-90036.aspx