Bám địa bàn, nắm cơ sở, hết lòng tận tụy vì dân
Để bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, yêu cầu dành cho cán bộ không chỉ dừng lại ở nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải vượt qua những khó khăn nhất thời, cùng sự am hiểu rộng, nắm vững kiến thức ở nhiều lĩnh vực mới có thể đảm nhiệm tốt vai trò ở địa bàn xã phức tạp với 'muôn hình vạn trạng' của những sự vụ.
Đại úy Đặng Hồng Nhất trưởng thành từ Đại học Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nhưng “rẽ ngang” để công tác tại Đội Thi đua khen thưởng, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến tháng 6/2022, bước ngoặt đến với sự nghiệp của chàng chiến sĩ sinh năm 1986, anh được chuyển về công tác tại Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh theo Kế hoạch 172/KH-CATP tăng cường 100 cán bộ, chiến sĩ được đào tạo Đại học Công an chính quy đang công tác tại đơn vị cấp phòng về công an xã.
Vĩnh Lộc B là một xã nằm ở phía tây của huyện Bình Chánh, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 18km. Đây là một xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều cơ sở sản xuất, thu hút một lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến làm việc, sinh sống, đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ cao cho các loại đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội gây mất an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Với những thử thách trước mắt, chàng chiến sĩ công an không khỏi lo lắng…
Khó khăn muôn trùng
Khi nhận thông báo được chọn, Đại úy Đặng Hồng Nhất cảm thấy vô cùng tự hào khi là số ít đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đằng sau đó là những nỗi lo… Lo vì môi trường làm việc hoàn toàn khác biệt, thay vì nghiên cứu về công tác tham mưu, giờ anh phải tiếp xúc trực tiếp với người dân cũng như các đối tượng nguy hiểm.
Nỗi lo thứ nữa đến từ gia đình, vợ anh Nhất cũng công tác trong ngành ở Bệnh viện 30/4 của Bộ Công an. “Không phải riêng vợ anh mà tất cả những người vợ khác trong hoàn cảnh của anh đều sẽ rất lo lắng, anh cảm nhận được điều đó. Đặc biệt trong thời gian gần đây, lực lượng công an xã bị thương khi làm nhiệm vụ rất nhiều khi mà trường hợp đối tượng chống đối thường xuyên xảy ra”, anh Nhất bồi hồi kể.
Cho nên với vai trò người vợ, lo lắng là tất nhiên, nhưng chị cũng phải nén lòng khi đã là người chiến sĩ công an nhân dân, bước chân vào ngành thì phải sẵn sàng đi khắp nơi. Chị chỉ còn cách động viên chồng để làm công tác tốt nhất.
Trước khi đến với Vĩnh Lộc B, do thời gian chuyển đổi công tác quá ngắn ngủi, Đại úy Nhất chưa kịp tìm hiểu sâu về địa bàn xã. Nhưng tâm thế anh luôn xác định, mình cần tới một địa phương không quá bình yên, để từ đó trong 3 năm, anh sẽ có được tiếp xúc thực tế nhiều nhất và có được những trải nghiệm quý báu trong nghề.
Quả nhiên, địa bàn Vĩnh Lộc B khác hoàn toàn so với suy nghĩ ban đầu của anh, các vụ việc xảy ra vô cùng đa dạng, nhiều vấn đề yêu cầu tới sự giúp đỡ của người chiến sĩ, từ những việc nhỏ nhặt tới nguy hiểm.
“Tại cấp xã, mọi người dân đều nghĩ tới công an khi có vấn đề. Với suy nghĩ giản đơn, công an là người biết tất cả mọi thứ, nên lúc nào cũng gọi điện và hỏi ý kiến.. Nếu như lực lượng công an xã không có kiến thức rộng, sẽ rất khó để làm hài lòng người dân, đặc biệt như thủ tục hành chính trực tuyến cũng gây khó khăn với một số người khi không có kiến thức tin học”, anh Nhất tâm sự.
Điều tuyệt vời là khi anh về đây, anh nhận được sự quan tâm của Chỉ huy Công an huyện, Công an xã, cũng như của các đồng chí đồng đội để dần làm quen với những công việc được giao phó.
Bản thân Đại úy Đặng Hồng Nhất nhận định, đây là môi trường công tác hoàn toàn mới, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với tinh thần tình nguyện, xung kích, không ngại khó, không ngại khổ, "sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng, Nhà nước, ngành Công an và nhân dân cần đến".
Anh thấy rằng, không có trách nhiệm cao, không gần dân, không bám sát người dân sẽ rất khó làm việc, đặc biệt với những địa bàn phức tạp.
Cá nhân anh đã luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, thử thách, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ đồng chí đồng đội, chủ động trao dồi kiến thức chuyên môn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được Chỉ huy Công an xã phân công, từng bước tiếp cận công việc, qua đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tập thể đơn vị Công an xã.
Tìm tòi và học hỏi để thích ứng
Nói về kinh nghiệm với người dân, Đại úy Đặng Hồng Nhất chia sẻ: Thứ nhất, tâm lý phải vững vàng; thứ hai, nụ cười phải luôn nở trên môi; thứ ba, phải biết lắng nghe người dân.
"Khi phải tiếp xúc với rất nhiều người, từ nóng giận tới oán hận, thì mình cần có bản lĩnh điềm đạm, nhẹ nhàng, từ tốn giải thích cho người dân với tính cầu thị, thì người dân sẽ nghe hơn và hạ được cơn giận… bởi địa phương xã có muôn vàn câu chuyện. Nếu không giữ được bình tĩnh sẽ vô tình đổ dầu vào lửa", anh Nhất nói.
Anh cho biết, đôi khi cũng phải có tính hài hước, pha trò, nói chuyện đùa để giảm tải áp lực của bản thân cũng như người dân. Như trong thời gian thực hiện Đề án 06 khi người dân xếp hàng quá lớn với chỉ tiêu quá cao, nếu không tiết chế cảm xúc sẽ rất dễ tạo ra sự xung đột, khi đã xung đột thì rất khó vận động người dân về sau.
Anh tin rằng về địa phương là một trách nhiệm lớn, nếu có cơ hội thì cơ sở xã là một vùng đất để chiến sĩ công an thể hiện hết tất cả những năng lực, sở trưởng của bản thân khi mà phải “kinh” qua rất nhiều lĩnh vực.
Mặc dù rất khó khăn, nhưng nhận được sự quan tâm của Chỉ huy công an huyện, công an xã, sự quan tâm của Đảng ủy các cấp, qua đó cũng là yếu tố các chiến sĩ công an xã tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Công tác ở xã mà không có kiến thức rộng, biết cơ bản nhiều lĩnh vực thì mới có thể làm tốt ở xã. Đặc biệt trong môi trường "muôn hình vạn trạng", muôn vẻ đời sống, từ giải quyết nội bộ gia đình tới những tội phạm nguy hiểm. Người chiến sĩ phải luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và vấn đề của người dân.
Theo quan điểm của Đại úy Nhất, công việc lúc nào cũng được làm mới hằng ngày, anh đặt ra định hướng như vậy, cho nên bản thân luôn cần tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu từ thực tiễn tới giấy tờ, văn bản pháp luật. Chẳng hạn như việc tiếp dân cũng phải học từng ngày, khi mỗi người có ý kiến, tâm tư nguyện vọng khác nhau. Cho nên, tư duy cầu tiến là yếu tố hàng đầu để người chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về danh hiệu thi đua, trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023), Đại úy Đặng Hồng Nhất đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trao bởi Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại úy Đặng Hồng Nhất còn nhận Bằng khen của Bộ Công an trong năm 2021 và 2022 theo quyết định Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; vì đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu tổ chức Chương trình “Lá chắn bình yên”; sơ kết phong trào thi đua đặc biệt “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống đại dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Năm 2023, anh nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong 1 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/ĐUCA ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 11/CT-BCA ngày 28/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bam-dia-ban-nam-co-so-het-long-tan-tuy-vi-dan-post797896.html