Bấm máy phim cổ trang 'Huyết rồng'
Sau Phượng khấu, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng ê-kíp đang ráo riết chuẩn bị cho dự án phim dã sử, cổ trang tiếp theo có tên Huyết rồng. Phim dài 5 tập, do Đặng Thanh giữ vai trò biên kịch, dự kiến bấm máy vào hè năm nay.
"Huyết rồng" có nội dung xoay quanh thời khắc chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê (vua Lê Long Đĩnh - còn gọi là Lê Ngọa Triều) sang nhà Lý (vua Lý Công Uẩn - Lý Thái Tổ) năm 1009. Phim được xác định là dã sử và có nhiều yếu tố hư cấu tạo sức hấp dẫn. Hệ thống sự kiện và nhân vật lịch sử của giai đoạn trên chỉ là chất liệu tham khảo và tạo nên cảm xúc sáng tạo.
Các nhân vật trong phim cũng được đổi tên để tránh những tranh cãi vì bản chất phim ảnh là sự sáng tạo nghệ thuật, còn lịch sử thuộc về khoa học xã hội. Nhà biên kịch sẽ sáng tạo trong khuôn khổ hợp lý để lý giải cho giai thoại lịch sử đầy thu hút này.
"Với "Huyết rồng", chúng tôi kể một câu chuyện để người đời sau nhớ đến một giai đoạn lịch sử, văn hóa, kinh tế đầy biến động. Khi tuổi đời mới tròn 20, một vị đế vương trị vì vỏn vẹn chỉ 4 năm nhưng ông đã có những quyết sách tốt bên cạnh muôn vàn sai lầm, bởi trái tim nhạy cảm nồng nhiệt của một chàng trai trẻ khi yêu và khi đau khổ thì cũng giằng xé tan nát tâm can không kém" - biên kịch Đặng Thanh cho biết.
Lựa chọn một giai đoạn lịch sử thiếu hụt khá nhiều sử liệu nên đoàn phim gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu để chế tạo phục trang, đạo cụ, cảnh trí... Tuy nhiên, tất cả đều nỗ lực nhằm mang đến tác phẩm chỉn chu phục vụ khán giả.
Khác với "Phượng khấu" - chỉ xoay quanh cuộc chiến chốn thâm cung - phim "Huyết rồng" sẽ có những trận đánh kịch tính. Phim dự kiến quay 70% bối cảnh ở Ninh Bình và 30% tại TP HCM.
Ngoài "Huyết rồng", một số phim cổ trang, dã sử khác như "Trưng Vương" do Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô đồng sản xuất, "Quỳnh hoa nhất dạ" do Thanh Hằng sản xuất kiêm đóng chính... cũng được thực hiện trong thời gian tới.
Do chưa có phim trường, các dữ liệu lịch sử không nhiều, các dự án phim dã sử, cổ trang Việt từ điện ảnh cho đến truyền hình đều gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Trước và sau khi phim được công chiếu thường hay vướng sự tranh cãi từ phía công chúng về vấn đề phục trang (bị "soi" giống nước này, nước khác, không đẹp, không tinh xảo…). Câu chuyện được kể, dàn diễn viên nếu không thuyết phục được khán giả cũng dễ dàng khiến phim mất điểm. Phim cũng khó thu hồi vốn so với các thể loại khác như hài, tình cảm, hành động…, vì vậy mà dòng phim này hiện vẫn chưa thể bứt phá ở thị trường.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/bam-may-phim-co-trang-huyet-rong-20210323210917752.htm