Bám nghề

Miệt này đã từng xanh ngắt màu xanh của tàu thanh long. Bây giờ, tất cả còn lại chỉ là màu cỏ úa. Những vườn thanh long không nhổ trụ thì cũng bỏ mặc cho dây chết dần chết mòn, ít ai còn bám trụ với cây thanh long.

Nghĩ mà buồn. Thanh long từng là cây trồng chủ lực của miền đất này, cái câu “thanh long làm giàu nhà nông” bắt đầu từ đó. Nông dân đua nhau xuống trụ trồng thanh long, bỏ làm lúa. Làm thanh long một ký bán được hơn mười ngàn, làm lúa ký bán được năm ngàn. Mỗi năm thanh long cho chong đèn 3 vụ, làm lúa chỉ ăn được 2 vụ mà cực trần ai vì phải canh ăn nước, chống sâu bệnh. Nông dân bỏ lúa theo thanh long là phải.

Những cánh đồng xưa bát ngát màu xanh rì của lúa thì nay phủ kín trụ bê tông, những dây thanh long non bắt đầu vươn mình bám vào trụ. Thôi kệ, trồng gì cũng được, miễn đời sống người dân được cải thiện. Thanh long được giá, nông dân thu lãi vài trăm triệu một năm là chuyện thường. Những căn nhà mái Thái bắt đầu mọc lên giữa những vườn thanh long xanh mát. Nhà nhà ganh nhau dậy sớm tưới tắm, tỉa cành, xịt thuốc thanh long. Thanh long được giá kéo theo hàng loạt dịch vụ như bán thuốc trừ sâu, phân bón, dụng cụ làm thanh long, bán rơm, bóng đèn, dây điện…phát triển theo.

Cây thanh long không giống những cây trồng khác phải chăm sóc, phân bón, bỏ rơm thường xuyên, chỉ cần bỏ không chăm vài tháng dây đã suy, nấm ăn vàng dây thì chẳng thể chong đèn, phải chăm lại vài ba tháng mới mong chong đèn lại được. Mà thanh long là cây đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, khó làm được mẫu trái tai dài, vỏ đỏ màu mận chín lắm. Tùy theo màu vỏ, tai đẹp đến đâu mà thương lái định giá mua cao hay thấp. Bởi vậy đã làm thanh long là xác định ăn, ngủ cùng thanh long, ngày nào cũng tưới tắm, ba ngày phải xịt thuốc trái một lần, rồi vuốt tai cho trái… Khổ trần ai chứ chẳng sung sướng gì. Có điều lợi nhuận cây thanh long mang lại không hề nhỏ nên người dân chịu cực ráng làm để kiếm thu nhập.

Những năm thanh long được giá, chợ búa, hàng quán buôn bán đông đúc, nhộn nhịp. Gì chứ chợ ngày chủ nhật thì không thiếu những món hải sản đắt tiền: ốc vôi, ốc hương, mực size lớn… Người mua giành nhau mua, người bán cười hỉ hả mừng vì bán được nhiều hàng. Vào những dịp lễ tết cảnh mua bán còn sôi động hơn nữa. Đi chợ phải chen chân không có chỗ để ngồi lựa hàng nữa. Những ngày giáp tết như bây giờ, hàng hóa bày tràn lan ven đường, thôi thì đủ các mặt hàng, từ bánh kẹo, quần áo, hoa giả… không khí nhộn nhịp biết bao.

Mấy năm nay thanh long mất giá, cái cảnh xôm tụ hồi xưa không còn nữa. Ra chợ nghe mấy người bán hàng than chợ sao vắng quá chừng, người bán còn đông hơn người mua. Cũng phải, xứ này nông dân chỉ trông chờ vào cây thanh long, giờ mất giá thì lấy đâu thu nhập mà tiêu xài như hồi đó được. Ai cũng hóp bụng tằn tiện bảo nhau thôi ráng chờ thanh long lên giá lại. Ai dè, mấy năm liên tiếp giá thanh long vẫn rẻ hơn cho. Thói đời, khi được giá thì cái trái xấu xí nhất thương lái cũng thu mua, khi giá rẻ thì cắt dạt không thương tiếc, màu xấu một xíu đã thẳng tay quăng xuống gốc.

Bán thanh long rồi, cất những đồng tiền ít ỏi rồi, ngồi nhìn mặt đất đỏ au, lăn lóc những trái thanh long dạt mà xót xa. Công sức ba tháng trời bỏ ăn bỏ ngủ chăm sóc, rồi thì tiền bạc đi vay đi mượn đổ vào đầu tư. Một pha chong đèn đầu tư đâu phải ít, có hai trăm trụ thanh long mà tốn chi phí hơn chục triệu đổ vào, vậy mà khi bán lại chỉ thu về vài triệu, hỏi ai không buồn. Lỗ một pha còn động viên nhau thôi ráng kiếm pha khác ngon hơn. Lỗ liên tiếp mấy năm trường vốn liếng nào chịu nổi. Thôi thì đành bỏ dây đó chờ giá, giá lên thì sửa soạn chăm lại dây, giá thấp hoài thì bỏ luôn chớ kham gì nổi. Thành ra nông dân hồi trước giàu lên nhờ thanh long thì nay nhiều người cũng đổ nợ vì thanh long. Càng nhiều trụ càng nợ nhiều.

Thấy cây thanh long không còn ăn thua nữa, người ta nhổ trụ trồng cây khác. Khổ cái xứ này đất nhiễm mặn, trồng cây gì cũng chẳng được. Nhiều gia đình chuyển sang trồng dừa, dù sao, dừa cũng dễ bán và dễ bảo quản hơn thanh long. Còn một số nhà thì quyết định cắt bớt đất bán, kệ, đất nhiều thì bán bớt chút ít chẳng sao. Đất gặp cơn sốt giá, người người nhà nhà bán đất xây biệt thự. Thành ra ở quê giờ nhà lầu, nhà mái Thái mọc lên rất nhiều và đất bỏ hoang cũng theo đó tăng lên. Giờ ai còn ham làm nông nữa, cực thí mồ!

Vậy mà cũng vẫn còn vài nhà chong đèn thanh long. Đêm xuống sáng rực khoảnh trời nho nhỏ. Rồi cái màu bông trắng xuất hiện, cái màu hồi xưa trải dài dọc chai bên đường bây giờ hiếm hoi dữ lắm. Vài hôm đã thấy rút râu để lộ trái thanh long nho nhỏ chĩa mấy cái tai dài ngơ ngác nhìn xe cộ qua lại.

Ven đường có một vườn thanh long trái đã hạng nắm tay. Từng trồng thanh long nên tôi biết lứa trái này bán để đơm tết. Thường nông dân chong đèn thường canh sao cho trái chín vào những dịp lễ tết để mong được giá cao. Ngày tết chưng một mâm ngũ quả có trái thanh long đỏ tai xanh thì còn gì đẹp mắt bằng. Thấy những trái thanh long đang căng tròn từng ngày, nhìn dáng người chủ cặm cụi tưới từ sáng sớm mặc cho cái lạnh giá của buổi sớm mai cắt da cắt thịt, lại thấy vui vì ít ra cũng còn những con người bám trụ với nghề, quyết tâm giữ thứ trái đặc sản từng làm nên tên tuổi của miền đất nắng gió này…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bam-nghe-104717.html