Bám sát 6 chính sách lớn để xây dựng dự thảo Luật Điện lực
Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Ban soạn thảo đại diện cho các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số hiệp hội, doanh nghiệp; một số Sở Công Thương, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Thể chế hóa đường lối của Đảng về năng lượng
Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, sau gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2018 và năm 2022) đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập khung khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và thị trường điện lực, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động điện lực và sử dụng điện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tạo cơ sở pháp luật để giám sát thực thi, bảo đảm các đơn vị hoạt động điện lực minh bạch, tuân thủ đúng pháp luật.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và nhân dân, yêu cầu mới của thực tiễn quản lý và để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Điện lực hiện hành.
Về quan điểm chỉ đạo, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng và phát triển ngành điện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
Đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực. Phân định rõ chức năng quản lý, điều tiết của nhà nước về điện lực và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh điện; Tập trung các nguồn lực để sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện lực một cách đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khả thi; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để hình thành và vận hành thị trường điện lực cạnh tranh; Chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động điện lực kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về điện lực, giữ vững kỷ cương và sự bền vững của thị trường; Kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật về điện lực còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của ngành điện, đồng thời chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với cam kết quốc tế có liên quan; xác định rõ nội dung, nguyên tắc áp dụng Luật Điện lực bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Điện lực và các luật khác có liên quan.
Hoàn thiện pháp lý, tạo điều kiện cho phát triển
Mục tiêu hoàn thiện Luật Điện lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và nhân dân; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
Đảm bảo sự phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc quy định cụ thể và chi tiết thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc quy định và hướng dẫn thực hiện các Điều, khoản trong Luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, phù hợp với đặc điểm của Luật Điện lực là ngành Luật chuyên ngành, mang tính kỹ thuật cao, cần sửa đổi, bổ sung thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ.
Thực hiện đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước cho Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tăng cường phân cấp cho các đơn vị điện lực trong quá trình thực hiện các hoạt động điện lực để đảm bảo quyền tự do hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực với các chính sách có liên quan khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành; Đổi mới các nội dung và các điều luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả thực thi luật, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng.
Bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; đảm bảo kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.
Báo cáo với Ban soạn thảo, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Điện lực sửa đổi cho biết: Trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Tổ biên tập bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Tổ biên tập, đại diện một số cơ quan đảng, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Bộ. Các thành viên Tổ biên tập đã thống nhất chia thành viên Tổ biên tập thành 03 nhóm: Nhóm 1: Điều tiết điện lực và tiết kiệm điện do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Tổ trưởng Tổ biên tập là nhóm trưởng; Nhóm 2: Quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực và năng lượng tái tạo do Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - Tổ phó Tổ biên tập là nhóm trưởng; Nhóm 3: An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện do Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Tổ phó Tổ biên tập là nhóm trưởng) để tập trung công tác soạn thảo, chỉnh lý Dự án luật trong quá trình tham mưu, giúp việc cho Ban soạn thảo…
Bám sát 6 chính sách lớn
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị thành viên Ban soạn thảo góp ý vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng 06 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) gồm:
Chính sách 1: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước
Chính sách 2: Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực
Chính sách 4: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường
Chính sách 5: Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện
Chính sách 6: An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Trên cơ sở 06 chính sách chính nêu trên, theo quan điểm kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật Điện lực, sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bộ Công Thương đã đề xuất Đề cương chi tiết luật bao gồm: 09 Chương và 82 điều đã được Chính phủ thông qua và đang trình Quốc hội.
Phấn đấu hoàn thành dự thảo trình Chính phủ trong tháng 7/2024
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tổng công suất đặt hệ thống điện gấp 2 lần hiện nay (hiện nay khoảng 80.000 MW, đến năm 2050, tổng công suất đặt gấp khoảng 4 lần hiện nay.
Từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm là một thách thức lớn, một mặt vừa phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội; một mặt vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như vậy ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được mục tiêu này.
Trong thời gian tới, chúng ta phải giảm tối đa nhiệt điện than, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn điện mới thân thiện với môi trường (khí, amoniac xanh, hydrogen) và khi điều kiện kinh tế cho phép có thể phát triển điện hạt nhân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng ban hành Luật Điện lực lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được; hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Phù hợp với các cam kết quốc tế; Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, sạch; Phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Tổ biên tập tiếp nhận, tổng hợp ý kiến thành viên Ban soạn thảo và giao Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các đơn vị, các chuyên gia thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo 1. Đồng thời, xây dựng Dự thảo Tờ trình trên cơ sở nội dung Dự thảo 1 đã được hoàn thiện.
Sau khi hoàn thiện Dự thảo 1 theo ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, giao đầu mối Tổ biên tập gửi lại Ban soạn thảo Dự thảo 1, Dự thảo Tờ trình và Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo là trong tuần từ 25/3/2024-29/3/2024.
Về vấn đề thông qua dự thảo lần 1 để tiến hành đăng tải Dự thảo luật, do thời hạn soạn thảo gấp, để đáp ứng tiến độ, Ban soạn thảo đã thống nhất đề xuất được sử dụng Dự thảo 1 đã hoàn thiện để đăng web và gửi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức (Dự thảo 2) để kịp thời hạn Chính phủ giao. Theo đó, Bộ Công Thương thực hiện thủ tục đăng website trong tuần từ 20/3-29/3/2024 đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Sau khi đăng website, Ban soạn thảo tiếp tục thảo luận để hoàn thiện Dự thảo 2 trong quá trình đăng website và gửi lấy ý kiến. Trong thời gian này, Ban soạn thảo sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.