Bám trụ cùng dân, khẩn trương khắc phục hậu quả

Bão số 13 đổ bộ vào vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế gây ra gió mạnh, sóng lớn và mưa to khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy đổ, nhiều khu vực bờ biển tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Trước và sau bão, các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 4 vẫn bám trụ cùng nhân dân, khẩn trương khắc phục hậu quả.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: “Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai phương án ứng phó với bão. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, nhà bạt, áo phao, chúng tôi tập trung rà soát, phối hợp với chính quyền và các lực lượng liên quan, nhất là công an và biên phòng khẩn trương di dời người và tài sản ở những khu vực nguy hiểm đến vị trí an toàn”. LLVT tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời 11.090 hộ với gần 37.000 nhân khẩu, trong đó, có gần 870 hộ với gần 3.450 nhân khẩu ở những vùng có nguy cơ sạt lở đến vị trí an toàn. Hầu hết các hộ dân được di dời đến nhà cao tầng, các trường học kiên cố. Công tác di dời người và tài sản được triển khai khẩn trương, kể cả trong đêm tối nhằm bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Tại các điểm bố trí tập trung, Bộ CHQS tỉnh, chính quyền địa phương đã hỗ trợ lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết để bà con tránh trú trong điều kiện mưa bão kéo dài. Sau khi bão qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, 182 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và hơn 200 chiến sĩ dân quân đã được điều động xuống địa bàn khẩn trương phối hợp giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão. Các đơn vị đã bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ những hộ dân ở các điểm tránh trú bão tập trung trở về nhà.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 202 (Vùng Cảnh sát biển 2) khẩn trương di dời người dân xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) ra khỏi vùng ngập lụt. Ảnh: TẤT THÀNH.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 202 (Vùng Cảnh sát biển 2) khẩn trương di dời người dân xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) ra khỏi vùng ngập lụt. Ảnh: TẤT THÀNH.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã chủ động triển khai các phương án ứng phó, trong đó duy trì trực 100% quân số tại các cơ quan, đơn vị, huy động tối đa lực lượng, phương tiện chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, bố trí lực lượng thường trực và hơn 1.200 dân quân tự vệ (DQTV) phối hợp giúp nhân dân các xã ven biển chuẩn bị các phương án ứng phó. Sáng 15-11, bão số 13 đã làm 98 ngôi nhà của người dân Quảng Trị bị tốc mái, 17 trụ điện gãy đổ... Bão quét qua khu vực huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) gây ra gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, sóng cao từ 3 đến 5m kết hợp nước biển dâng đã vượt bờ kè chắn sóng. Mưa to kết hợp với gió giật mạnh liên tục khiến thông tin liên lạc bị đứt quãng nhiều giờ, nhiều cây xanh trên đảo bị gãy, đổ, một số công trình và kiến trúc nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng nặng. Trung tá Phan Văn Phương, Chính trị viên Ban CHQS huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: “Trước khi bão đổ bộ, đơn vị phối hợp với các lực lượng biên phòng, công an chằng chống nhà cửa, cây cối, các công trình dân sinh, công cộng nên giảm được thiệt hại. Khi bão đổ bộ, toàn bộ người dân, công nhân trên đảo gồm 188 người được sơ tán vào hầm trú bão”. Nhờ chủ động sơ tán nhân dân nên không có thiệt hại về người. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, người dân đã quay trở về nhà. Ngay sau khi bão đi qua, Ban CHQS huyện đảo Cồn Cỏ đã kiểm tra lại doanh trại, hầm hào, công sự, các trục đường và nắm tình hình thiệt hại của nhân dân trên đảo để có biện pháp hỗ trợ, khắc phục kịp thời.

Bão số 13 khiến tỉnh Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại tương đối lớn, đặc biệt là các địa phương ven biển: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và Phong Điền. Ngay khi bão qua, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo ban CHQS 9 huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ, nhân viên nhanh chóng xuống địa bàn để nắm tình hình, đồng thời phối hợp với các lực lượng của địa phương, huy động DQTV về các địa bàn để giúp nhân dân. Chúng tôi có mặt tại hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn thuộc huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế), nằm sát với bờ biển nên bị thiệt hại nặng. Theo thống kê, xã Quảng Công có 141 ngôi nhà và xã Quảng Ngạn có 230 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng mái, hàng nghìn cây xanh ngã, đổ, gãy cành. Ban CHQS huyện Quảng Điền đã cử 10 cán bộ, nhân viên, hơn 30 chiến sĩ DQTV nhanh chóng phối hợp với lực lượng của địa phương giúp nhân dân. Đến 16 giờ ngày 15-11, các nhà bị hư hỏng, tốc mái ở hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn đã cơ bản được sửa chữa xong. Trung tá Nguyễn Xuân Thiện, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quảng Điền cho biết: “Trước khi bão số 13 đổ bộ, Ban CHQS huyện đã huy động toàn bộ bộ đội thường trực, DQTV phối hợp với lực lượng của địa phương giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản lên cao; đồng thời sơ tán, di dời gần 2.000 hộ dân với hơn 4.700 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Sau khi bão tan, chúng tôi tiếp tục cử cán bộ, nhân viên và huy động hơn 200 chiến sĩ dân quân của 11 xã, thị trấn khẩn trương giúp bà con lợp lại nhà bị tốc mái, cắt cây gãy đổ ở các trục đường, trường học, dọn vệ sinh môi trường”.

Tại TP Huế, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hàng nghìn cây xanh ở các trục đường chính của thành phố gãy, đổ. Ban CHQS TP Huế đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện đến các khu vực, trong sáng 15-11, những cây xanh ngã, đổ đã được cưa cắt, thu gom, các tuyến đường trên địa bàn TP Huế đã giải phóng thông suốt. Hiện lực lượng của Ban CHQS thành phố đang giúp nhân dân khắc phục nhà cửa hư hỏng, tốc mái.

Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Trong ngày 15-11, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố cử hơn 150 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, gần 1.000 chiến sĩ DQTV cùng với xe ô tô, cưa máy và nhiều loại dụng cụ về các địa bàn, khẩn trương làm việc nhanh nhất để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống”.

HOA LÊ - XUÂN DIỆN - MINH TÚ - LÊ SÁU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/bam-tru-cung-dan-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-643971