'Bàn A muôn dặm một cõi riêng'
Ở nơi 'Thanh kỳ khả ai', Bàn A sơn (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) điểm xuyết một nét đẹp rất riêng. Giữa sơn kỳ thủy tú của trời Nam, Bàn A sơn riêng mình một sức hút. Với những ai đã từng một lần đến với vùng non nước hữu tình, thanh tịnh, gợi chút u hoài, cô tịch này đều sẽ gật gù tấm tắc rằng nơi hạ thế vẫn có thể tìm thấy một chốn bồng lai.
Cảnh quan nhìn từ đỉnh Bàn A sơn. Ảnh: Hương Thảo
Với hơn 75% diện tích vùng núi và trung du, bức tranh phong cảnh đa sắc màu của tỉnh Thanh ghi đậm dáng hình của những ngọn núi. Không chỉ là vùng danh thắng, nhiều ngọn núi thấm đẫm chiều sâu, giá trị lịch sử - văn hóa. Đó là ngọn núi Nưa có huyệt đạo thiêng, đền Nưa tọa lạc; ngọn núi Thái Bình “khi mặt trời chiếu, núi trông như tòa Cửu phẩm Liên hoa”; núi Đồng Cổ - núi Tam Thai như “chốn linh cảnh”; động Kim Sơn với “núi non vòng quanh, sông Mã một dải trắng xóa, như muốn cùng góp thêm vào quang cảnh kỳ ảo phía trước động”; núi Xuân Đài “trên núi có động Hồ Công, dưới chân núi có chùa Du Anh... Lên đến động xoay nhìn xung quanh, tứ phía núi non hình tựa như chim loan, chim phượng đang bay lượn trên trời”... Trong muôn hình muôn vẻ ấy, Bàn A sơn mang vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng.
Bàn A sơn là ngọn núi cao 11 trượng 8 thước, chu vi hơn 200 trượng, núi đá xếp rất cao mà khúc khuỷu uốn lượn... Núi nhìn xuống dòng sông Lương, một nhánh chạy về bên phải thành núi Na; một nhánh chạy sang huyện Thụy Nguyên thành núi Thái Bình. Nằm án ngữ ở vị trí gần khu vực ngã ba Đầu – nơi hợp lưu của hai con sông lớn ở xứ Thanh là sông Mã và sông Chu – “đây là nơi hai dòng nước cùng chầu phía trước, hai mạch núi cùng ngoảnh vào nhau, cảnh trí trở nên đẹp lạ thường”, xứng đáng là nơi “lâm tuyền ẩn thế”.
Trong bài ký “Bàn A sơn quan lan sào” do Ngô Thì Sĩ viết (Ngạn xuyên Ngô Đức Thọ dịch) miêu tả rất chi tiết về vẻ đẹp của Bàn A sơn: Lại về phía Đông lỵ sở có một ngọn núi tên là núi Bàn A ở xã Đại Khánh, huyện Đông Sơn. Núi này không cao lắm nhưng quanh co uốn khúc rất đáng yêu... Sông Mã từ trên thượng nguồn chảy đến đó thì hợp với nhánh bên phải làm thành ngã ba sông. Hai dòng nước chầu phía trước, hai ngọn núi vòng ôm hai bên tả hữu. Phía trước là sông lớn, cả hai bên đều có doi cát nổi lên. Doi bên trái là Ngân đai (đai bạc), doi bên phải là Ngọc ấn (Ấn ngọc), bày bố tự nhiên theo thế ôm vòng. Trên lưng núi, đối diện với dòng sông là một vách đá. Giữa thân vách đá có chỗ lõm sâu vào, bên trong có thể lọt một người ngồi xếp chân, dựa lưng vào vách. Bên trên đầu có một lỗ thủng như hình chiếc mũ, bên trái bên phải có thể để được những đồ dùng. Lại có chỗ có những thanh đá như song cửa sổ, bên trong ngồi được hai người đối diện với nhau dựa lưng vào song cửa sổ. Hai bên tả hữu có hai hòn đá như hai đứa tiểu đồng. Từ phiến đá dựng ở chỗ song đồng ấy có thể nhìn xuống dòng sông, người bên dưới theo lối bên trái có thể đi lên trên chòi. Từ trên cao nhìn xa, thấy làn nước mênh mông bao quanh xóm núi, suối hạc, bãi le, mà tự mình được ứng tiếp muôn vạn cảnh, không thể hình dung hết được...
Nép mình dưới chân núi có chùa Đại Hùng, thường gọi là chùa Vồm. Chùa xếp đá làm vách, tượng Phật với nét mặt nhân từ, phúc hậu tạc trên đá, thân Phật lấp loáng khi ẩn khi hiện. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có từ lâu đời. Chùa tựa lưng vào vách núi, kết cấu vì kèo theo kiểu kết hợp giữa giá chiêng, kẻ chuyền, chồng giường. Các vì kèo liên kết với nhau bằng đường xà thượng và xà hạ, tạo thành bộ khung vững chắc để đỡ toàn bộ phần mái. Đặc biệt, trong cấu trúc giữa xà thượng, xà hạ và hiên chùa là các bức ván nong. Hầu hết các ván nong đều chạm trổ hoa sen, cúc, vân mây, rùa ngậm hoa sen... Chùa Vồm hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Tượng phật A di đà khắc trực tiếp vào vách đá, một số pho tượng, bát hương cổ, bức đại tự, bút tích của các bậc tao nhân mặc khách...
Từ Bàn A sơn kết nối với hàng loạt các vùng đất cổ khác như: Núi Đọ, Đông Khối, làng Giàng, làng cổ Đông Sơn, sông Mã - Hàm Rồng... Từng dòng phù sa theo con nước mà hội tụ, lắng đọng, dệt nên những vỉa tầng lịch sử - văn hóa. Như một bông hoa rừng vừa có hương có sắc, người con gái vừa thanh tân, mỹ miều vừa có chiều sâu tâm hồn, Bàn A sơn tự lâu đã là địa danh thu hút bước chân tao nhân, mặc khách tìm về vãn cảnh, đề thơ...
Vua Lê Hiến tông trong một lần ghé thăm Bàn A sơn đã cảm khái đề thơ: “Ba nhánh chảy bên núi cao chắn/ Bàn A muôn dặm một cõi riêng/ Khi lấy nhân nghĩa làm vương chính/ Chưa biết chốn lâm tuyền có ẩn cư/ Cất bước lên cao ngồi tắm nắng/ Chống thuyền bãi nhỏ lắng vượn kêu/ Đến đây bao kẻ đề thơ họa/ Văn chương thời nay tụ họp như sao khuê”.
Mùa hè Đinh Hợi (1767), Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ về triều tiếp sắc chỉ với hàm Đông các, sau đó được bổ đi làm Hiến sát xứ Thanh Hoa, vì yêu thích cảnh sắc thiên nhiên nơi Bàn A sơn mà thường ghé chơi, nhân có động mà đặt làm chỗ Quan Lan sào (cái tổ để ngắm sóng), chỗ thường ngồi gọi là Nghênh huân (hóng gió thơm)... Cảnh sắc thiên nhiên làm rung động tâm hồn thi sĩ mà viết nên bài minh ca ngợi: “Từ có trời đất/ Đã có núi sông/... / Lưng núi động mở/ Dù nhỏ nhưng khéo/ Chẳng kê mà cao/ Trời bày nên chỗ/ Muôn cảnh trước mặt/ Nhọc bút vẽ chi/ Sóng vỗ bờ đá/ Thủy triều ngấp nghé/ Thuyền buôn tấp nập/ Thuyền chài vào ra...”.
Chuyện tao nhân, mặc khách xưa ngao du sơn thủy, tức cảnh sinh tình mà khắc chữ, đề thơ chẳng phải là hiếm ở trời Nam. Nhưng quyến luyến, “chịu chơi” đến mức đầu tư tâm huyết, chọn nơi làm “tổ ngắm sóng”, sáng tác “Quan lan thập vịnh” như Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ với Bàn A sơn thì không nhiều. Nói thế để thấy được rằng, người và cảnh vật đã thấu hiểu, trân trọng và tôn vinh lẫn nhau. Cho đến ngày hôm nay, khi những danh thắng, giá trị lịch sử - văn hóa theo dòng chảy của thời gian, tác động lịch sử mà thay đổi thì “Thập cảnh Bàn A” vẫn sống động với những hình dung về “Khánh bằng liệt chướng”, “Lương mã song phàm”, “Thạch tượng dục hà”; “Lĩnh quy hí thủy”; “Cổ độ kỳ đình”; “Viễn sầm yên thụ”; “Cô thôn mao xá”; “Cách ngạn thiền lâm”; “Sơn hạ ngư ky”; “Giang trung mục phố”...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ban-a-muon-dam-mot-coi-rieng/156612.htm