Bản án không hẹn ngày về chỉ vì muốn lấy lại thể diện

Bức xúc vì bị đánh trước mặt mọi người, Phùng Quốc Việt, SN 1993 ở Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) nhờ bạn bè lấy lại danh dự cho mình. Được mọi người khuyên nên đánh lại, Việt đồng ý mà không ngờ rằng cái gật đầu ấy đã đưa cuộc đời anh ta vào trại cải tạo với bản án không hẹn ngày về.

“Tôi cũng chỉ muốn lấy lại danh dự thôi chứ đâu ngờ mọi chuyện lại đi xa như thế”, Việt bộc bạch. Anh ta bảo từ ngày vào trại giam, đêm nào cũng suy nghĩ về chuyện đã xảy ra và lại trằn trọc day dứt. Bị kết án chung thân về tội giết người, hiện Việt đang cải tạo ở trại giam Vĩnh Quang Bộ Công an.

Đêm định mệnh

Gần chục năm sống trong trại giam, đủ để Việt “ngấm” về những sai lầm của mình. Việt bảo không ngờ rằng cuộc đời mình toàn những sai lầm và đến lúc muốn sửa chữa thì đã muộn. “Thời gian sống ở đây tôi mới có dịp ngẫm nghĩ lại những ngày sống bên cha mẹ và hiểu rằng tôi chưa làm gì để vừa lòng cha mẹ. Tôi là đứa con bất hiếu”, Việt tâm sự.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, Việt lại không chăm chỉ, ngoan ngoãn mà từ bé đã ngang bướng. Học hết tiểu học, Việt định nghỉ học ở nhà vì chán nhưng sau đó chiều lòng bố mẹ mà tiếp tục đi học. Tuy nhiên, sau khi không thi đỗ vào cấp ba thì anh ta nghỉ hẳn. Gia đình làm ruộng nhưng Việt lại chưa từng bước chân xuống ruộng. Việt bảo mang tiếng con nhà nông dân nhưng Việt chẳng mó tay vào bất cứ việc gì. Mọi việc từ cấy lúa, làm cỏ đến bón phân, gặt hái đều do cha mẹ đảm nhiệm. Chỉ những khi ngày mùa nhiều việc quá phải thuê người thì Việt mới phụ giúp việc nước non cho thợ uống, còn ngày thường chẳng mấy khi anh ta có mặt ở nhà. Nhiều khi bữa ăn còn phải chờ đợi, phần cơm.

Hay lang thang chơi bời, tụ tập với đám thanh niên cũng vô công rồi nghề nên chuyện xích mích giữa thanh niên với nhau là không tránh khỏi. Chính vì những va chạm ấy mà trong một lần đi ăn ốc với đám bạn, Việt bị anh Nguyễn Cao Quí, một thanh niên làng bên vác ghế đánh phải bỏ chạy. Cảm thấy mất mặt với đám bạn, Việt nghĩ cách trả thù nên tối 26-4-2011, Việt đi mua 2 con vịt về rồi mời bạn bè tới nhậu. Trong bữa ăn, Việt bày tỏ sự uất ức của mình về trận đòn trước đó và muốn lấy lại danh dự. Được mọi người ủng hộ, Việt hỏi mọi người xem nên làm thế nào. Theo sự bàn bạc, đám bạn đồng ý hỗ trợ Việt còn chuyện đánh anh Quí thế nào thì tùy Việt sắp xếp. Theo đó, Việt đã nhờ người mua súng tự chế rồi nhờ người xin số điện thoại của anh Quí, hẹn địa điểm gặp nhau.

Vì không biết Việt mang theo súng nên anh Quí không đề phòng, đồng ý hẹn gặp vào tối 27-4, tại một quán ốc. Người thanh niên này không ngờ rằng đó cũng là đêm cuối cùng bởi sau khi thông báo địa điểm gặp gỡ, Việt đã cùng nhóm bạn xuất hiện và khẩu súng hoa cải trong tay kẻ hăng máu đã cướp đi mạng sống của anh Quí. Sau khi bắn chết anh Quí, Việt và nhóm bạn bỏ trốn đến rạng sáng hôm sau thì bị bắt giữ. Là kẻ chủ mưu trong vụ án giết người, Việt bị kết án chung thân. “Tôi không hiểu tại sao lúc đó lại hung hăng thế. Mục đích của tôi chỉ là lấy lại thể diện chứ không hề muốn giết người. Nhưng rồi mọi chuyện đã xảy ra và giờ đây có muốn sửa chữa cũng không còn cơ hội nữa”, Việt cho biết.

Xưởng may túi nơi phạm nhân Phùng Quốc Việt cải tạo lao động. (Ảnh: N.Vũ)

Xưởng may túi nơi phạm nhân Phùng Quốc Việt cải tạo lao động. (Ảnh: N.Vũ)

Ân hận và mặc cảm

Cải tạo ở trại giam cách nhà không xa nhưng vì công việc nhà và cũng một phần vì kinh tế gia đình nên vài tháng một lần, bố mẹ Việt mới xuống thăm. Việt bảo gặp mẹ dù chỉ nói chuyện được dăm ba câu rồi mẹ khóc nhưng vẫn còn “dễ thở” hơn gặp bố. “Bố tôi ít nói, ông chỉ nhìn khiến tôi cảm thấy khó xử. Nhiều lúc muốn mở lời mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhiều năm qua đi rồi mà tôi vẫn không sao nói được lời xin lỗi bố”, Việt tâm sự. Thanh niên này cho biết, nhìn bố mẹ mỗi ngày một già đi, tóc lốm đốm bạc lại thấy xót xa.

Nói về những tháng ngày trong trại giam, Việt cho biết: “Ở trong này tôi cải tạo ở rất nhiều đội. Ban đầu là ở đội sản xuất, trồng lúa sau đó sang đội dán vàng mã còn bây giờ là lao động ở đội may. Chúng tôi may theo dây chuyền, việc của tôi là ráp các thân túi lại với nhau cho thành hình cái túi còn việc đính quai, lắp đáy túi là phần việc của những người khác”.

Nói đến đây thanh niên này cười tủm tỉm bảo, công việc của mình dễ làm vì chỉ chạy đường thẳng.
Hỏi Việt cảm giác về bản án thế nào, có nặng không, nam phạm nhân này bỗng trở nên trầm tư: “Ngày mới vào tôi còn oán thán, cho rằng án phạt là quá nặng. Nhưng rồi những lần gia đình thăm gặp, nhìn bố mẹ ngày một héo hon, muộn phiền tôi mới hiểu rằng tôi đã làm khổ bố mẹ thế nào. Rồi tôi nhận ra rằng dù sao thì tôi vẫn còn sống, bố mẹ có đau khổ thì vẫn còn được nhìn thấy tôi, chứ không như gia đình anh Quí. Anh ấy còn có vợ con, các cháu còn nhỏ nữa”. Hẳn là Việt đã suy nghĩ rất nhiều, trăn trở, day dứt rất nhiều mới nói được câu như thế. “Nghĩ tới bản án dài dằng dặc của mình, tôi không khỏi ân hận, mặc cảm thì đương nhiên rồi. Một kẻ mang án giết người như tôi chắc chắn lúc về nhà sẽ được nhiều người đón nhận bằng những ánh mắt dè chừng, cảnh giác. Tôi có lỗi với bố mẹ nhiều lắm”, Việt bộc bạch. Anh ta bảo, điều anh ta ân hận nhất chính là đã khiến người thân phải chịu áp lực về việc làm tội lỗi của mình.

Nói về dự định nếu được ra trại, Việt bảo chưa nghĩ tới bởi thời gian cải tạo còn dài nên chưa có quyết định gì.

“Tôi chỉ biết cố gắng cải tạo để có cơ hội xuống án có thời hạn. Giờ chỉ mong sao bố mẹ ở nhà khỏe mạnh và đừng suy nghĩ nhiều. Trong này tôi sẽ cố gắng. Dự định làm gì thì chưa biết nhưng lúc rảnh rỗi tôi cũng chăm lên thư viện tìm đọc sách nói về chăn nuôi, trồng trọt. Chắc là sau này nếu có cơ hội trở về, tôi chỉ ở nhà tập trung làm ruộng và chăn nuôi thôi. Lúc ấy tuổi cũng cứng rồi còn đi làm thuê ở đâu nữa”, Việt bộc bạch và đôi mắt thoáng buồn. Dường như anh ta đang tiếc những ngày son rỗi mải mê rong chơi uổng phí.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ban-an-khong-hen-ngay-ve-chi-vi-muon-lay-lai-the-dien-163506.html