Nên có thêm 'công cụ' tố giác hành vi xả rác bừa bãi
'Lấy gì tố, tố với ai và ở đâu ạ, chứ hẻm nhà em rác ngập lối', đó là comment (bình luận) chiều ngày 9-7 của bạn tôi – một chuyên gia về truyền thông, trên fanpage Trung tâm Báo chí TPHCM khi trang này nói về việc tố giác hành vi xả rác.
(KTSG Online) – “Lấy gì tố, tố với ai và ở đâu ạ, chứ hẻm nhà em rác ngập lối”, đó là comment (bình luận) chiều ngày 9-7 của bạn tôi – một chuyên gia về truyền thông, trên fanpage Trung tâm Báo chí TPHCM khi trang này nói về việc tố giác hành vi xả rác.
Trong cùng ngày, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin “TPHCM vận động người dân tố giác hành vi xả rác không đúng nơi quy định”(*) nói về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” mà thành phố đang phát động.
Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong bảo vệ môi trường đang có hiệu lực hiện nay quy định “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển”.
Điều đó có nghĩa trách nhiệm xử phạt hành chính thuộc về chính quyền và cũng đồng nghĩa với việc người dân có quyền tố giác hành vi xả rác. Nhưng, quan trọng hơn là chính quyền phải tạo điều kiện để người dân có “công cụ” để tố giác. Các hành vi xả rác ra môi trường sống diễn ra nhan nhản, việc chính quyền chỉ chăm chăm lo cắt cử người đi chụp hình, quay phim, hay đón lõng, mật phục để xử phạt xả rác là không khả thi, không hiệu quả.
Còn khuyến khích người dân tố giác trực tiếp tới chính quyền có khi lại xích mích, mất đoàn kết láng giềng, có khi gây thù chuốc oán, phát sinh những điều xấu; đó là chưa kể người dân chắc gì đã có niềm tin là chính quyền sẽ xử phạt trường hợp mình tố giác hay không; và quan trọng hơn, mắc gì phải đi tố giác cho mệt người, lắm lúc ôm vạ vào thân.
Có người nói với tôi rằng chính quyền có thể lắp đặt camera để xử phạt xả rác kiểu “phạt nguội” như phạt vi phạm giao thông. Trên thực tế, vài năm trước, chính quyền đảo Phú Quốc đã từng “phạt nguội” thành công hành vi xả rác của một người dân, nhưng cũng chẳng qua ăn may trong việc trích xuất hình ảnh từ camera an ninh.
Ai cũng thấy xả rác khác với vi phạm giao thông trên đường bộ, bởi người xả rác có thể có mặt ở khắp nơi: trên đường phố, trong hẻm nhỏ, trong công viên, lề đường, khuôn viên công sở, trên sông nước, ngoài đồng ruộng, thôn quê… Nên việc chính quyền phải lo lắp đặt camera để phạt nguội cho tất cả là không khả thi, nếu không muốn nói là không tưởng.
Cách đây không lâu, khi sang Hàn Quốc công tác và đi tham quan nhiều nơi bằng xe chở khách loại lớn, cô hướng dẫn viên người Hàn Quốc nói tiếng Việt cho biết, sở dĩ tài xế không nổ máy trước, bật máy lạnh cho mát xe lúc buổi trưa là do quy định bên Hàn Quốc cấm xe đậu một chỗ nhưng nổ máy quá 5 phút vì lo ngại xả khói gây ô nhiễm môi trường.
Cô cho biết thêm, ở Hàn Quốc, việc xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có giao thông, phần lớn do người dân tố giác bằng cách quay phim, chụp ảnh cung cấp chứng cứ tải lên app (phần mềm) của chính quyền. Sau đó, cơ quan chức năng xác minh và xử phạt hành chính, nếu có phạt tiền thì người tố giác được thưởng tỷ lệ nhất định. Đây chính là yếu tố giúp người dân có thêm động lực tố giác các hành vi vi phạm hành chính, ngoài yếu tố được thưởng tiền, còn được bảo mật thông tin người tố giác.
Ý tưởng người dân “cùng tham gia” xử phạt hành chính với chính quyền bằng cách cung cấp thông tin không phải quá mới ở Việt Nam. Bốn năm trước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế(**) đã xử phạt hành chính khá nhiều trường hợp từ việc người dân cài đặt ứng dụng Hue – S trên điện thoại di động để phản ánh thông tin, hình ảnh hoặc quay clip cung cấp cho Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC). Sau đó, nội dung của người dân phản ánh được giữ bí mật, đồng thời gửi đến các cơ quan hữu quan xử lý, kết quả xử lý được đăng tải công khai trên trang web của IOC là https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn.
Không rõ hiện nay ứng dụng Hue – S có còn “chạy” nữa hay không, nhưng rõ ràng, nếu người dân có “công cụ” tố giác, và có thêm sự khuyến khích bằng vật chất thì Nhà nước không cần phải tốn quá nhiều kinh phí và nhân lực cho việc xử phạt hành chính những hành vi xả rác bừa bãi.
(*) https://www.sggp.org.vn/tphcm-van-dong-nguoi-dan-to-giac-hanh-vi-xa-rac-khong-dung-noi-quy-dinh-post748424.html
(**) https://www.sgtiepthi.vn/khi-nguoi-dan-hue-cung-tham-gia-xu-phat-hanh-chinh
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nen-co-them-cong-cu-to-giac-hanh-vi-xa-rac-bua-bai/