Bản án nghiêm khắc cho những kẻ gieo 'cái chết trắng'
Tội phạm ma túy dù liều lĩnh, tinh vi đến đâu cũng không thoát khỏi lưới trời. Ngoài những bị cáo còn cơ hội gặp người thân thì có không ít người phải chấm dứt cuộc đời bằng bản án tử hình, để lại bao đau xót cho người thân.
Có lẽ, nếu biết hành vi mua bán trái phép ma túy có thể bị tuyên án tử hình thì Đèo Văn Xuân (SN 1998) ở bản Nà Tòng, xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã không liều lĩnh như vậy. Trong phiên tòa xét xử dịp giữa tháng 5 vừa qua, dù thời tiết oi bức, nóng như đổ lửa nhưng bà Quàng Thị Lún (mẹ ruột) lặn lội đi từ Điện Biên xuống Bắc Giang để gặp Xuân. Suốt phiên tòa, bà Lún nhìn con trai với ánh mắt thất thần, buồn bã. Khi nghe tòa tuyên án, bà không đứng vững, nước mắt rơi xuống đôi gò má gầy gò. Lúc này, trong bà chỉ còn sự ân hận và mong thời gian quay trở lại để có thể ngăn Xuân không theo con đường tội lỗi.
Trước đó ít ngày, TAND tỉnh cũng xét xử vụ án “Vận chuyển trái phép ma túy”, tang vật là 12 bánh heroin. Đây là vụ án đầu tiên mà hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên tới 5 án tử hình đối với 5 bị cáo. Trong số đó có bị cáo Hoàng Văn Nhất (SN 1986) ở bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ (Yên Thế). Sau phiên tòa xét xử, tôi tìm đến nhà của Nhất. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa đồi cây, lối vào là một đoạn đường đất cỏ mọc xanh rờn, dường như đã lâu không có người dọn dẹp. Thấy người lạ đến, bà S (mẹ Nhất) ái ngại.
Bà S nay đã 78 tuổi, hai mắt thâm quầng, có lẽ vì mấy năm nay, không đêm nào bà ngủ ngon kể từ khi Nhất bị bắt vì ma túy. Bà có hai con trai, Nhất là út. Nghỉ học, Nhất đi làm thuê ở nhiều nơi rồi vay mượn mua ô tô để chở khách, kiếm thêm thu nhập.
“Tôi giục nó lấy vợ nhưng nó bảo nhà mình nghèo làm gì có ai muốn lấy, để nó đi làm kiếm tiền về sửa cái nhà, cái cổng, sắm thêm đồ đạc cho tôi đỡ khổ rồi lấy vợ cũng chưa muộn, thế mà...” - bà ứa nước mắt.
Nhìn vào bức ảnh con trai được dán ở tủ, bà nén lại rồi kể tiếp: “Tôi cũng không ngờ, hôm đó (ngày 12/3/2020-PV) là ngày cuối cùng nó ở nhà. Nó bảo con đi làm, tối về ăn cơm nhưng tôi chờ mãi mà không thấy, cũng chẳng liên lạc được, lòng như lửa đốt. Hai hôm sau, công an thông tin con tôi bị bắt vì vận chuyển ma túy, rồi khám xét nhà. Lúc đó, tôi chỉ biết khóc. Thế rồi mới đây, nó bị tuyên án tử hình. Vậy là hết đời, tôi chẳng bao giờ được gặp con nữa”.
Cùng bị tuyên án tử hình với Nhất trong vụ án này còn có Lò Thị Dung (SN 1980) ở bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên). Mấy năm về trước, bố đẻ của bị cáo cũng bị tuyên án tử hình vì ma túy. Chồng nghiện ngập, không tu chí làm ăn, con trai nhỏ bị bệnh hiểm nghèo, cần nhiều tiền để chữa trị. Có lẽ vì vậy, Dung bất chấp các quy định của pháp luật, liều lĩnh mua bán “hàng cấm” để thu lợi nhuận cao. Khi được nói lời sau cùng, Dung ân hận vì không chăm sóc được con và mong HĐXX xem xét, khoan hồng để bản thân có cơ hội đoàn tụ với mẹ già, con thơ.
Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp xét xử hàng trăm vụ án liên quan đến ma túy. Riêng TAND tỉnh xét xử 11 vụ với 21 bị cáo, trong đó 7 bị cáo bị tuyên án tử hình.
Giống như bị cáo Lò Thị Dung, nhiều nữ bị cáo khác khi phạm tội liên quan đến ma túy thì điều day dứt, khổ tâm nhất là phải để lại những đứa con thơ. Như trường hợp của Nguyễn Thị Xen (SN 1988) trú tại thôn Hà, xã Việt Tiến (Việt Yên), đúng ngày sinh nhật con trai thứ hai của mình (25/7/2021) thì bị bắt quả tang mua bán trái phép 1.000 viên ma túy đá, sau đó bị TAND tỉnh tuyên phạt 20 năm tù. Gia đình Xen thuộc hộ cận nghèo, trước khi vào trại giam, Xen chỉ kịp dặn dò 2 con trai qua cuộc điện thoại chóng vánh.
Theo ông Ngô Tiến Thụy, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và xét xử sơ thẩm án an ninh - ma túy (Viện KSND tỉnh), qua điều tra nhận thấy, nhiều bị cáo lấy việc mua bán, vận chuyển trái phép ma túy làm nguồn sống, ăn chơi. Trước và trong quá trình xét xử, các đối tượng khai báo không thành khẩn, giả bệnh tâm thần, giả không biết chữ để chối tội.
Dù thủ đoạn ngày càng liều lĩnh, tinh vi nhưng cuối cùng các bị cáo đều phải thừa nhận tội danh. Ông Nguyễn Hải Vinh, Chánh tòa hình sự, TAND tỉnh cho hay: “Tội phạm ma túy thường kéo theo các tội phạm khác như trộm cắp, cướp giật, đánh bạc, cố ý gây thương tích. Nguyên nhân do các đối tượng lười lao động nhưng thích ăn chơi, hưởng thụ, muốn kiếm tiền nhanh chóng, thu lợi nhuận cao”.
Mỗi người đều có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng không thể lấy đó làm lý do phạm tội. Luật pháp không khoan nhượng đối với những người phạm tội, các tội liên quan đến ma túy thì hình phạt lại càng nghiêm khắc. Vì vậy, mỗi bản án đều là một bài học đắt giá không chỉ cho riêng các bị cáo mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả mọi người.
Bài, ảnh: Mạc Yến