Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thấu tình đạt lý
Báo Công lý& Xã hội ngày 8/6/2020 có bài phản ánh 'Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng, quyết định đình chỉ chưa đúng pháp luật', tuy nhiên ở vụ án này câu hỏi được đặt ra, liệu việc xem xét đánh giá chứng cứ ở phiên xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam đã hoàn toàn thấu tình đạt lý?
Theo Bản án số 10/2019/DS-ST ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam thì mảnh đất được UBND thị xã Hội An cấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số L683 993 (số vào sổ: 00581) ngày 13/12/1999 có nguồn gốc của ông Huỳnh Viết Mai và bà Nguyễn Thị Cận. Ông Mai chết năm 1980 và bà Cận chết năm 1983.
Khi ông bà chết đi để lại khối tài sản là một ngôi nhà cấp 4 trên diện tích đất là 501m2, tọa lạc tại khối Châu Trung, phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam mà không để lại di chúc.
Ông Mai, bà Cận có 3 người con là bà Huỳnh Thị Liên (chị), bà Huỳnh Thị Liên (em) và bà Huỳnh Thị Giàu. Thời gian ông bà còn sống bà Huỳnh thị Liên (chị) và Huỳnh Thị Liên (em) có gia đình và sinh sống ở nhà chồng. Bà Huỳnh Thị Giàu tiếp tục sống cùng ông bà, chăm sóc ông bà những năm cuối đời.
Sau khi ông bà mất, do ngôi nhà tranh tre đã quá mục nát, vào năm 1986, tất cả các anh chị em cùng các con cháu trong nhà tiến hành họp bàn và đi đến thống nhất lập một biên bản thỏa thuận trong đó ghi rõ: Giao cho bà Huỳnh Thị Giàu được trọn quyền sửa chữa ngôi nhà này để có chỗ ở và lo hương khói cho ông bà, cha mẹ và được trọn quyền sử dụng tất cả những gì của ông bà ngoại để lại gắn liền với với thửa đất vườn đến trọn đời con cháu mai sau.
Sau đó, bà Giàu cùng các con đã vay mượn tiền để sửa chữa và xây dựng lại ngôi nhà trên để ở và thờ cúng ông bà từ đó đến nay đã hơn ba mươi năm. Cũng trên cơ sở của thỏa thuận đó UBND thị xã Hội An đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con của bà Giàu là ông Lê Viết Châu.
Trao đổi với nhóm phóng viên, đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hội An cho biết: “Việc này chúng tôi đã cung cấp bằng văn bản cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, trong đó thể hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Lê Viết Châu năm 1999 là đúng quy định của pháp luật và gia đình ông Châu vẫn sử dụng ổn định từ trước đến nay”.
Câu chuyện đáng nói ở đây, chính là giấy thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình ông Châu vào năm 1986. Thời điểm đó, với hoàn cảnh chung mọi người đều cùng rất khó khăn, thì mục đích phải sửa sang lại nhà cửa để có nơi thờ cúng tổ tiên là điều cần thiết và cấp bách nên các thành viên trong gia đình nhóm họp để đi đến thống nhất bằng tờ giấy thỏa thuận như ông Châu cung cấp là điều hoàn toàn hợp lý.
Trong phần nhận định tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng: Giấy thỏa thuận viết tay ngày 20/06/1986 do bị đơn Lê Viết Châu cung cấp là vô hiệu bởi chữ ký của các đồng thừa kế ký tên trong đó không phải do chính họ ký mà do người khác ký thay.
Để rõ hơn về vụ việc, phóng viên tham khảo ý kiến từ Luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Công ty Luật TNHH Niềm tin Công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, luật sư Ngọc cho rằng: “Trong Bản án sơ thẩm số 10/2019/DS-ST, ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, đã nhận định rằng giấy thỏa thuận của các đương sự vào thời điểm 20/6/1986 là vô hiệu, điều này là thiếu thuyết phục. Bởi vì, giấy thỏa thuận này có thể vô hiệu về mặt hình thức nhưng về mặt nội dung ở đây thể hiện ý chí của hàng thừa kế thứ nhất và có thể cả hàng thừa kế thứ 2. Đã phù hợp với Điều 3, Bộ Luật Dân sự 2015. Tôi cho rằng Tòa án cấp trên cần hủy án để xem xét lại chi tiết này đảm bảo ban hành một bản án khách quan, đúng quy định của pháp luật.”
Ở một góc độ khác của vụ việc, thấy rằng năm 2009 thành phố Hội An mở rộng đường qua cửa nhà của ông Châu, mảnh đất bỗng có giá trị cao hơn. Câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng đó chính là lý do dẫn đến vụ việc tranh chấp này xảy ra?
Vụ việc sẽ được các Cơ quan tiến hành tố tụng xử lý như thế nào? Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.