Bản án sơ thẩm vụ FLC: Trịnh Văn Quyết bị phạt 21 năm tù
Chiều 5/8, trong bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) tổng mức án 21 năm tù.
Chiều 5/8, trong bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) tổng mức án 21 năm tù (trước đó Viện Kiểm sát đề nghị 24-26 năm tù) về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
Bản án sơ thẩm cũng tuyên 2 em gái của Trịnh Văn Quyết - hai đồng phạm là Trịnh Thị Minh Huế bị phạt 14 năm tù (Viện kiểm sát đề nghị 17-19 năm tù); Trịnh Thị Thúy Nga bị phạt 8 năm tù (bị đề nghị 10-12 năm tù).
Cựu Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung bị phạt tổng mức án 8 năm 6 tháng tù (Viện kiểm sát đề nghị 11-13 năm tù).
Theo cơ quan tố tụng, giai đoạn 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty. Sau đó, họ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC đã gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng xác định Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư. Mặc dù thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, nhưng đến giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho Công ty Faros lên tận 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần.
Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng
Theo bản án kết luận, Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và các bị cáo Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Tuân, Nguyễn Thị Hồng Dung cũng như nhiều người có mối quan hệ thân quen, họ hàng của ông Quyết đã vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng.
Các bị cáo biết rõ Công ty Faros không có vốn thực góp nhưng đã cùng nhau thực hiện các hành vi gian dối để nâng khống vốn điều lệ của Faros từ 1,5 tỷ lên tận 4.300 tỷ đồng. Sau đó phát hành trên 430 triệu cổ phiếu, niêm yết lên sàn HOSE nhằm lừa dối các nhà đầu tư, chiếm đoạt tổng cộng hơn 3.600 tỷ đồng.
Nhóm bị cáo thuộc đơn vị kiểm toán và các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm trái quy định, chịu sự tác động của Trịnh Văn Quyết để cho niêm yết số cổ phiếu ROS trái pháp luật. Bản án sơ thẩm nêu các bị cáo đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư số tiền đặc biệt lớn, ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán. Trong đó, Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu cầm đầu chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, cần phải xử lý nghiêm.
Các bị cáo thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh bị tòa sơ thẩm đánh giá có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Trong đó, Trần Đắc Sinh là người giữ vai trò cao nhất, ông Sinh đã gây sự ảnh hưởng đến Lê Hải Trà và cấp dưới để tạo điều kiện cho cổ phiếu ROS được niêm yết nhanh trên sàn chứng khoán dù chưa đủ cơ sở pháp lý.
Trong bản án tuyên chiều 5/8, theo Hội đồng xét xử, trong quá trình lượng hình đã xét toàn diện vai trò của từng bị cáo, tính chất mức độ phạm tội, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và ý thức khắc phục hậu quả. Trịnh Văn Quyết được xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ ngoài thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả. Hội đồng xét xử cũng ghi nhận Trịnh Văn Quyết cùng tập đoàn FLC trong quá trình hoạt động đã xây dựng nhiều công trình tại vùng sâu vùng xa Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa... được các địa phương này gửi đơn xin giảm nhẹ mức án. Tòa cũng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo có quan hệ anh em họ hàng, vợ chồng, cha con, 11 người trong cùng dòng họ.
Tại tòa, Trịnh Văn Quyết và hai em gái - đồng phạm đều khóc, xin lỗi các bị cáo là người thân họ hàng vì tin mình mà vướng lao lý. Bị cáo Trịnh Văn Quyết coi đây là bài học ám ảnh cả cuộc đời, do đeo đuổi hoài bão quá lớn mà quên giới hạn pháp luật.
7 cựu cán bộ ngành chứng khoán bày tỏ sự ân hận; kiến nghị sự thay đổi, hoàn thiện về pháp luật để người kế nhiệm "yên tâm làm việc".
Nguồn: www.baogiaothong.vn