Bạn bè quốc tế giúp Việt Nam vượt qua hậu quả bão lũ
Trước những mất mát to lớn mà bão Yagi gây ra, cộng đồng quốc tế đã thể hiện tình đoàn kết và sự quan tâm sâu sắc, đáng quý đối với Việt Nam. Không chỉ viện trợ, kinh nghiệm quốc tế về quản lý nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại và hỗ trợ quá trình tái thiết sau thiên tai cũng rất quan trọng, giúp Việt Nam xây dựng các chiến lược dài hạn để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân.
Tấm lòng từ các nhà hảo tâm khắp năm châu
Thời gian qua, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã nhanh chóng cung cấp viện trợ nhằm giúp đỡ người dân Việt Nam khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Sự hỗ trợ, chia sẻ từ cộng đồng quốc tế cho thấy tình hữu nghị và sự đoàn kết trong thời điểm khó khăn.
Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã gửi hàng viện trợ gồm thiết bị lọc nước và tấm bạt nhựa đa chức năng đến tỉnh Yên Bái vào ngày 14/9/2024. Đại diện JICA tại Việt Nam, ông Sugano Yuichi, nhấn mạnh rằng họ đã cố gắng chuyển hàng viện trợ nhanh chóng để giúp đỡ người dân. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng gửi điện thăm hỏi và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong khả năng của mình.
Chính phủ Anh đã hỗ trợ nhân đạo 1 triệu bảng Anh (khoảng 1,3 triệu USD) để cung cấp nhu yếu phẩm, tiền mặt, dịch vụ y tế. Quốc vụ khanh Anh, Anneliese Dodds nhấn mạnh sẽ sát cánh với người dân Việt Nam trong giai đoạn khó khăn. Thụy Sĩ thông qua Đơn vị Cứu trợ Nhân đạo đã hỗ trợ 1 triệu franc Thụy Sĩ (1,2 triệu USD) và gửi 6 chuyên gia về nước và vệ sinh đến Việt Nam. Đồng thời, Thụy Sĩ cũng cung cấp 300 lều trại và hệ thống phân phối nước cho 10.000 người. Australia đã viện trợ 3 triệu AUD (khoảng 49 tỷ đồng) gồm dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ bếp, vật liệu sửa chữa nhà cửa. Hàn Quốc cam kết viện trợ 2 triệu USD. Chính phủ Mỹ thông qua USAID cung cấp 1 triệu USD để hỗ trợ nơi lánh nạn, nước sạch và vệ sinh.
Các tổ chức khác như Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo trong Quản lý Thiên tai (AHA), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng tham gia. AHA cung cấp bộ dụng cụ gia đình, dụng cụ sửa chữa nhà cửa, dụng cụ vệ sinh cá nhân với tổng trị giá hơn 254.000 USD đến Yên Bái và Lào Cai. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trao 700 bộ đồ dùng gia đình đặc biệt chú trọng đến nhu cầu của phụ nữ và người khuyết tật tại tỉnh Yên Bái, cử các nhóm đánh giá đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái và Lào Cai. Đại diện thường trú của UNDP, bà Ramla Khalidi cho biết, đây là bước đầu trong nỗ lực giúp phục hồi sau bão. UNICEF cung cấp 80.000 viên lọc nước, 4.000 lít nước uống cho các cơ sở y tế tại Thái Nguyên và Lào Cai, cùng các vật dụng vệ sinh khác.
Cùng với đó, nhiều nhà lãnh đạo và đại diện các tổ chức quốc tế đã gửi lời thăm hỏi, động viên, kêu gọi sự hỗ trợ giúp Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gửi điện thăm hỏi Thủ tướng Phạm Minh Chính, bày tỏ sự tiếc thương với nạn nhân bão và cam kết hỗ trợ Việt Nam. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự đoàn kết với Việt Nam, khẳng định Pháp sẵn sàng hỗ trợ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua USAID, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để hỗ trợ Việt Nam. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và tin tưởng vào khả năng phục hồi của Việt Nam. Lãnh đạo các nước khác như Cuba, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đã gửi lời chia buồn, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão.
Kinh nghiệm tái thiết cuộc sống sau thiên tai từ quốc tế
Thiên tai như bão lũ ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra thiệt hại nghiêm trọng trên toàn cầu. Điển hình, Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi động đất, sóng thần và bão. Quốc gia này đã phát triển hệ thống quản lý thiên tai toàn diện, đặc biệt sau thảm họa sóng thần, động đất năm 2011.
Trước hết, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch tái thiết dài hạn, tập trung vào việc tái thiết cơ sở hạ tầng, phục hồi cộng đồng, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm. Một trong những biện pháp đáng chú ý là xây dựng các tuyến đê biển và tường chắn sóng cao hơn, kết hợp với việc quy hoạch đô thị để giảm thiểu rủi ro cho các khu vực ven biển. Xây dựng cộng đồng bền vững, tạo ra hệ thống hỗ trợ xã hội hiệu quả là yếu tố quan trọng trong quá trình tái thiết, bao gồm cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, hỗ trợ tâm lý cho người dân sau thiên tai. Nhật Bản cũng đặc biệt chú trọng đến việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định, từ việc xây dựng kế hoạch tái định cư đến việc thiết kế các khu vực an toàn mới. Nhờ vậy, các giải pháp tái thiết không chỉ hiệu quả mà còn phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Nước Mỹ cũng thường xuyên đối mặt với các cơn bão, lốc xoáy, đặc biệt là ở các bang ven biển như Florida, Texas, Louisiana. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải phát triển một hệ thống phản ứng và tái thiết hiệu quả sau thiên tai dựa trên sự phối hợp giữa liên bang, tiểu bang, địa phương. Cụ thể, sau các cơn bão lớn như Katrina (2005) và Harvey (2017), chính phủ liên bang đã thiết lập các chương trình tài trợ lớn để hỗ trợ tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà ở. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính và nhân lực cho các khu vực bị ảnh hưởng. Các chương trình này bao gồm tái thiết nhà cửa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, phục hồi môi trường. Giới chuyên gia về quản lý khẩn cấp tại Mỹ khẳng định việc chuẩn bị trước thiên tai là vô cùng quan trọng, bao gồm các công tác như xây dựng các công trình chống chịu thiên tai, đào tạo cộng đồng về kỹ năng ứng phó, phát triển kế hoạch sơ tán… Hơn nữa, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, như xây dựng các công viên và khu vực lưu trữ nước mưa, cũng được xem là giải pháp trọng tâm trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng đối mặt với thiên tai như lũ lụt, bão và sạt lở đất trong những năm gần đây. Bởi vậy, các quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp tái thiết dựa trên việc quản lý nguy cơ trong nước và sự hợp tác liên quốc gia. Điển hình, ở góc độ quốc gia, Hà Lan nổi tiếng với hệ thống đê điều, quản lý nước hiện đại. Sau trận lũ lụt lịch sử năm 1953, Hà Lan đã triển khai Deltaworks, một trong những hệ thống phòng, chống lũ lụt phức tạp nhất thế giới, kết hợp các đập, cống, và đê điều nhằm bảo vệ các khu vực trũng thấp.
Ở góc độ khu vực, Liên minh Châu Âu (EU) đã thành lập Cơ quan Bảo vệ Dân sự và Nhân đạo (ECHO) để điều phối các nỗ lực cứu trợ và tái thiết sau thiên tai. EU cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, hậu cần cho các quốc gia thành viên trong việc phục hồi sau thiên tai. EU dành một khoản đầu tư lớn vào việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới để dự báo và ứng phó với thiên tai. Theo đó, các công cụ như hệ thống cảnh báo sớm, mô hình dự báo lũ lụt, công nghệ viễn thám đã được áp dụng rộng rãi để giảm thiểu thiệt hại và hỗ trợ quá trình tái thiết.
Học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu có thể giúp Việt Nam cân nhắc xây dựng chiến lược, thúc đẩy các giải pháp tái thiết hậu quả sau thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đơn cử, cách tiếp cận toàn diện với tái thiết cần bao gồm tất cả các yếu tố cơ sở hạ tầng, cộng đồng và môi trường. Những vấn đề quan trọng khác cần chú trọng như khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc ra quyết định, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm và quản lý nguy cơ, tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực, kinh nghiệm. Các biện pháp này đã giúp nhiều quốc gia trên thế giới cải thiện khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai, bảo đảm cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân.