Ban Biên soạn cuốn sách Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội họp Phiên thứ nhất
Sáng 22.2, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 22 Hùng Vương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, Trưởng Ban Biên soạn cuốn sách Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Biên soạn.
Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Biên soạn Trịnh Giáng Hương; Vụ trưởng Vụ Thông tin, Phó trưởng Ban Biên soạn Hoàng Thị Lan Nhung và các thành viên Ban Biên soạn
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà nêu rõ, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, thực hiện và chấp hành nghiêm Điều lệ của Đảng, các Nghị quyết hướng dẫn của Đảng bộ cấp trên. Trải qua gần 80 năm hoạt động, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ cơ quan. Hiện nay Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội có 31 đảng bộ cấp cơ sở và chi bộ.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công tác xây dựng Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho toàn Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, đặc biệt thiết thực chào mừng 80 năm ngày diễn ra Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 – 6.1.2026), chào mừng Đại hội Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025 – 2030, lần đầu tiên Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn sách Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội từ năm 1946 đến nay, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu chuyên đề lịch sử Đảng, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Để triển khai, bảo đảm công việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại phiên họp, Ban Biên soạn cùng phối hợp, xây dựng kế hoạch, xác định các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ ngắn nhất để hoàn thành cuốn sách, nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Trước đó, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, từ năm 2014, Vụ Thông tin đã phối hợp với Văn phòng Đảng ủy (nay là Văn phòng Đảng đoàn thể của Văn phòng Quốc hội) tổ chức công tác sưu tầm tài liệu, xây dựng đề cương, nghiên cứu biên soạn cuốn sách Biên niên lịch sử Đảng bộ. Tuy nhiên, nguồn tài liệu thời điểm đó chưa được sưu tầm đầy đủ, nên công tác biên soạn cuốn sách bị gián đoạn. Từ năm 2023, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã chỉ đạo Vụ Thông tin xây dựng cuốn sách Biên niên lịch sử Đảng bộ Văn phòng Quốc hội.