Bàn các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành

Sáng 24.2, tại UBND xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Sở Công thương chủ trì buổi họp với lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình để bàn các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành, niên vụ 2020 – 2021. Dự buổi họp có lãnh đạo các xã, thị trấn, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cam Sành trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình.

Họp bàn các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành, niên vụ 2020 – 2021.

Họp bàn các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành, niên vụ 2020 – 2021.

Hiện nay, huyện Bắc Quang có gần 3,8 nghìn ha cam Sành cho thu hoạch với sản lượng ước đạt trên 41,6 nghìn tấn. Tổng sản lượng cam Sành đã tiêu thụ khoảng 16 nghìn tấn, chiếm 38,4%. Tương tự, huyện Quang Bình có hơn 1,4 nghìn ha cam Sành cho thu hoạch, ước sản lượng gần 14 nghìn tấn. Trong đó, còn gần 11,6 nghìn tấn cam chưa thu hoạch. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 đến nay, 2 địa bàn trên xuất hiện hiện tượng cam rụng quả với tổng sản lượng thiệt hại lên đến hơn 5,6 nghìn tấn (trong đó, huyện Bắc Quang thiệt hại hơn 5,1 nghìn tấn quả), gây thất thu lớn cho các nhà vườn…

Lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra thực tế tình hình sản xuất cam Sành tại xã Vĩnh Phúc.

Lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra thực tế tình hình sản xuất cam Sành tại xã Vĩnh Phúc.

Tại buổi họp, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cam rụng quả. Trong đó, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến sức mua giảm; sản phẩm không thể phân phối đến một số thị trường truyền thống của tỉnh như thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương... Do vậy, nhiều diện tích vườn chưa thể thu hoạch. Từ thực tế này cũng dẫn tới hệ lụy cây cam tự điều chỉnh sinh lý để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới (nảy lộc xuân, ra hoa) dẫn đến hiện tượng rụng quả.

Bàn các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Sành, nhiều ý kiến đề xuất: Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất cam tính toán giá thành hợp lý để bán sản phẩm, không giữ quả chờ giá cao mới bán. Mặt khác, có cơ chế hỗ trợ, bố trí các điểm tiêu thụ cam Sành cho nông dân ngay tại tỉnh. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tìm đầu ra cho cam Sành tại các nhà máy chế biến, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước…

Tin, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202102/ban-cac-giai-phap-thuc-day-tieu-thu-san-pham-cam-sanh-772637/