Bàn cách khai thác 'mỏ vàng' kinh tế đêm Đà Nẵng
Được đánh giá là 'thủ phủ' du lịch, nhất là tiềm năng phát triển du lịch đêm, nhưng Đà Nẵng chưa khai thác được 'mỏ vàng' này.
Đà Nẵng mới chỉ đáng sống ban ngày!
“Đà Nẵng mới đáng sống ban ngày, đáng ngủ vào ban đêm thôi!”, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá như vậy tại Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” diễn ra ngày 10/7”.
Tọa đàm do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Sun World, Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức, nhằm tìm giải pháp giúp Đà Nẵng hiện thực giấc mơ trở thành “thành phố không ngủ” về đêm. Tuy nhiên, chưa có kinh tế đêm nghĩa là nền kinh tế vẫn còn dư địa để phát triển.
Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: Đà Nẵng cũng như cả Việt Nam, chỉ mới có một số hoạt động kinh tế ban đêm, thực chất là kéo dài nền kinh tế ban ngày thêm mấy tiếng ban đêm (đến 21 - 22 giờ). Đó là sự tụt hậu. Ông Thiên lấy ví dụ để so sánh: “Khách quốc tế lưu lại Việt Nam và Thái Lan cùng khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng chỉ tiêu 96 USD/ngày ở Việt Nam, còn ở Thái Lan là 163 USD”.
Cũng theo ông Thiên, Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho một phương thức hoạt động mới của nền kinh tế, đó là kinh tế đêm. Trước đó, Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm. Đà Nẵng là một trong số những địa phương đã tính tới việc phát triển loại hình kinh tế này.
Và thực tế 10 - 15 năm trước, lãnh đạo Đà Nẵng đã bàn về khái niệm phải sống về đêm như thế nào.
“Làm du lịch nếu chỉ có ban ngày không thì Đà Nẵng cũng vui, nhưng đó là cái vui ngắn. Tắm xong lại đi ăn. Ăn xong lại tắm thì chán. Rồi chỉ 1, 2 ngày là khăn gói lên đường trở về. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều”, ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, kinh tế ban đêm phải coi như 1 phương thức cạnh tranh, mà Đà Nẵng phải đặt vươn lên đặt tầm nhìn cạnh tranh quốc tế, chứ không phải so với các đô thị trong khu vực.
Ông Thiên cũng chỉ ra những rào cản trong phát triển kinh tế đêm như tập quán văn hóa, cơ chế chính sách còn bó hẹp, thiếu những “con sếu” đầu đàn. “Lâu nay, các địa phương muốn làm chưa làm được vì chưa có quyền chủ động để làm, luật cấm các hoạt động từ 12h đêm thì nói gì nữa. Cần cho địa phương quyền chủ động hơn, trung ương phải mở thoáng, địa phương phải chủ động”, ông Thiên nói.
Về câu hỏi “Đà Nẵng làm gì để phát triển được kinh tế ban đêm?”, PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ: “Chương trình kinh tế ban đêm là do Thủ tướng đề xuất mà Đà Nẵng lại đề xuất làm và phối hợp, chúng tôi có thể cùng với Đà Nẵng chia nửa dự án này. Để tận dụng thời cơ, Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng một chương trình, chiến lược phát triển kinh tế ban đêm để làm bài bản và tổng thể chứ không phải đến đâu hay đến đấy… Nếu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, trong văn kiện tới đây đưa được nội dung này vào thì sẽ chính thống hơn rất nhiều”.
Hướng đi mới của kinh tế Đà Nẵng
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, sau khi có các chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu kinh tế đêm, Đà Nẵng đã bắt tay vào tìm các giải pháp phát triển phương thức kinh tế này. “Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Kinh tế của Đà Nẵng còn manh mún, chưa có quy hoạch. Do đó việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ TP đặt ra trong thời gian tới”, ông Chinh cho hay.
Cũng theo ông Chinh, Đà Nẵng có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới. “Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư khu An Thượng; thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch ban đêm tại TP được phát triển các sản phẩm mới”, ông Chinh nói.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh chia sẻ: Đà Nẵng phải xác định kinh tế ban đêm như là một chiến lược quan trọng để cạnh tranh, giúp du lịch bứt phá phát triển trong giai đoạn hậu Covid, và về lâu dài hướng tới các mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Thực tế hiện nay, những dịch vụ hoạt động về kinh tế đêm của Đà Nẵng như vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực và tham quan đã cơ bản hình thành và bắt đầu đa dạng.
Về định hướng phát triển kinh tế ban đêm, bà Hạnh cho biết Đà Nẵng xác định 4 nhóm hoạt động dịch vụ bao gồm: Vui chơi giải trí, ẩm thực, dịch vụ mua sắm, tham quan du lịch.
Trước mắt, Đà Nẵng hạn chế những khu vực/dịch vụ đang nằm xen kẽ trong địa bàn khu dân cư và chọn một số khu vực có sẵn cơ sở vật chất để phát triển, nâng cấp khai thác. Về lâu dài, Đà Nẵng sẽ chọn một số khu vực để quy hoạch xác định cụm du lịch trọng điểm.
Bà Hạnh thông tin thêm, Đà Nẵng vừa thông qua một dự án đối với phố du lịch Bạch Đằng do công ty tư vấn của Pháp đưa ra. Hiện công tác quy hoạch đang thực hiện tới giai đoạn quy hoạch chi tiết 1/500 và dự kiến khởi công một số hạng mục về hạ tầng vào khoảng trước tháng 10/2020. Sau khi hoàn thiện hạ tầng, TP sẽ kêu gọi đầu tư các dịch vụ trong tuyến phố này.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, trao đổi thiết thực cũng như đưa ra những kiến giải để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu nhằm thúc đẩy phát triển du lịch đêm nói riêng, kinh tế đêm nói chung tại Đà Nẵng, cũng như Việt Nam.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ban-cach-khai-thac-mo-vang-kinh-te-dem-da-nang-389541.html