Ban cán sự đảng Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Để đạt được những kết quả này nhờ có sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bằng các Nghị quyết, Chỉ thị về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được tại Bộ Công thương sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương do đồng chí Phó Bí thư ban cán sự đảng – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Trưởng ban đã tham mưu cho Ban cán sự đảng ban hành Nghị quyết Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới ( Nghị quyết số 26 /NQ-BCSĐ ngày 17 tháng 12 năm 2021).
Căn cứ mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định số 1497/QĐ-BCT ngày 10/8/2021, các đơn vị xây dựng biện pháp cụ thể thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung, Ban cán sự đảng Bộ đặc biệt chú trọng bốn mục tiêu cụ thể sau:
Thứ nhất, 100% tổ chức đảng, chính quyền, đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới.
Thứ hai, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Thứ ba, tỷ lệ nữ thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đạt 15% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Thứ tư, 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện quy hoạch cán bộ đảm bảo đủ cơ cấu, tỷ lệ nữ.
Để thực hiện được các mục tiêu trên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X; Tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em.
Ban cán sự đảng cũng giao người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu về công tác cán bộ nữ; quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ, thực hiện quy trình công tác cán bộ đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển phù hợp từng đối tượng cụ thể cho từng giai đoạn.
Bộ cũng sẽ kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình; xử lý vi phạm hành chính, xem xét kỷ luật đối với các hành vi vi phạm quy định trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Việc ban hành một Nghị quyết chuyên đề Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới một lần nữa thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện và kỳ vọng các nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ phát triển, trưởng thành và đóng góp cho sự phát triển chung của ngành Công Thương nói riêng và cả nước nói chung của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ./.