Bàn chân bẹt: Chuyên gia tiết lộ thời điểm vàng mẹ cần cho con đi khám
Thăm khám và điều trị kịp thời giúp con bạn sớm có đôi chân bình thường. Nhưng khi nào mới là thời điểm bạn nên cho con đi khám để xác định?
Trên các hội nhóm chia sẻ thông tin về hội chứng bàn chân bẹt, có không ít cha mẹ phát hoảng khi phát hiện những dấu hiệu con bị bàn chân bẹt. Ai cũng muốn xác định chắc chắn tình trạng cũng như mong tìm được nơi uy tín để chữa dứt điểm tình trạng bàn chân bẹt cho con mình.
Không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả những trẻ em lớn hoặc người lớn, phát hiện mình mắc bàn chân bẹt cũng rất lo lắng liệu cuộc sống sau này có bị ảnh hưởng.
Và một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi mắc phải dị tật bàn chân bẹt là bàn chân của không có vòm bình thường. Điều này có thể gây đau khi bạn hoạt động thể chất nhiều.
Bị tật bàn chân bẹt khi còn nhỏ nếu không điều trị có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành và dẫn đến những nguy hiểm.
Đánh giá Sức khỏe Bàn chân quốc gia năm 2012 tại Mỹ cho thấy, 8% người trưởng thành (tính từ 21 tuổi trở lên) có bàn chân bẹt, trong đó 4% không có vòm bàn chân.
Theo ThS.BS Vũ Duy Chinh (chuyên ngành Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec), nếu bạn nghi ngờ con mình bị tật bàn chân bẹt, hãy đưa con đi khám để xác định đây là bàn chân bẹt sinh lý hay bệnh lý, cần can thiệp điều trị hay tiếp tục theo dõi...
Vậy, trong trường hợp nào nên đưa con đi khám xem có phải mắc tật bàn chân bẹt không?
Theo ThS.BS Vũ Duy Chinh, trẻ 3-7 tuổi, nếu có dấu hiệu mắc bàn chân bẹt thì cần cho đi khám để can thiệp sớm. Nếu con bạn không bị bàn chân bẹt thì quá tốt. Nhưng nếu chẳng may con bị bệnh ở độ tuổi này, cha mẹ cũng đừng quá lo lắng. Đây là độ tuổi tốt nhất để can thiệp. Trẻ sẽ được khắc phục được dần dần và đôi chân sớm trở lại hoạt động bình thường.
Trong trường hợp, trẻ hơn 2 tuổi nhưng cha mẹ nghi ngờ con bị bàn chân bẹt thì cũng có thể cho đi khám luôn. Các bác sĩ chuyên khoa là những người nắm rất rõ về tật bàn chân bẹt, có thể tiên lượng được nên đây là mốc thời gian sớm nhất nếu bạn sốt sắng đưa con đi khám.
Ngoài trẻ nhỏ, khi nào người lớn cần thăm khám để xem có mắc tật bàn chân bẹt không?
Ngoài trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể mắc chứng bàn chân bẹt. Có những người bị bàn chân bẹt từ nhỏ đến lớn. Cũng có những người khi bé không bị nhưng lớn lên lại bị bàn chân bẹt. Tình trạng có thể xuất hiện bẹt một bên hoặc cả 2 bên.
Ví dụ như những trường hợp béo phì, thừa cân khiến trọng lượng cơ thể bị tì đè xuống, cân cơ của vòm gan chân không chịu được sức nặng của cơ thể, dễ thành bàn chân bẹt. Người lớn có đôi chân phát triển không cân đối, một bên chân dài - một bên chân ngắn (thông thường chênh nhau 1-2cm) thì vòm gan chân dần dần cũng phẳng ra, dẫn đến bàn chân bẹt một bên. Hoặc nếu bạn bị bệnh lý thần kinh (chấn thương cột sống, đau thần kinh tọa...) dẫn đến teo cơ, chân cũng dần dần bị bẹt.
"Những trường hợp này khi phát hiện cần đi khám và can thiệp sớm. Đây là những trường hợp bất thường", BS Chinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, những trường hợp bàn chân bẹt do di truyền, cấu trúc xương lỏng lẻo... thì có thể điều chỉnh dần dần bằng giày chỉnh hình, nâng đế vòm gan chân...