Bản chất ham muốn của con người
Một ham muốn cụ thể thật ra có thể chỉ là một kênh dẫn mà thông qua đó, một số ham muốn khác thể hiện ra.
Chúng ta nên dứt khoát từ bỏ nỗ lực lập ra danh sách tỉ mỉ các nhu cầu. Vì nhiều lý do, những danh sách như vậy về mặt lý thuyết là không hợp lý. Trước hết, chúng ngụ ý sự bình đẳng của các nhu cầu được liệt kê, sự bình đẳng về sức mạnh và xác suất xuất hiện.
Điều này là không chính xác bởi xác suất xuất hiện của bất kỳ một ham muốn nào trong ý thức đều phụ thuộc vào trạng thái thỏa mãn hay không thỏa mãn của những ham muốn khác mạnh mẽ hơn. Và có sự khác biệt lớn về xác suất xuất hiện của các nhu cầu cụ thể khác nhau.
Thứ hai, một danh sách như vậy ngụ ý sự tách biệt của nhu cầu này với nhu cầu khác. Tất nhiên là chúng không hề tách biệt như vậy.
Thứ ba, việc liệt kê các nhu cầu như vậy vì thường được thực hiện trên cơ sở hành vi, nên hoàn toàn bỏ qua tất cả những gì chúng ta đã biết về bản chất động của các nhu cầu, chẳng hạn như các khía cạnh ý thức và vô thức của chúng có thể khác nhau, rằng một ham muốn cụ thể thật ra có thể chỉ là một kênh dẫn mà thông qua đó một số ham muốn khác thể hiện ra...
Việc liệt kê như vậy khá ngu ngốc bởi các nhu cầu không phải một tổng số học của các số hạng riêng biệt, tách rời. Thay vào đó, chúng tự sắp xếp thành một hệ thống phân cấp theo mức độ cụ thể. Điều này có nghĩa số nhu cầu mà một người chọn để liệt kê sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc họ phân tích chúng ở cấp độ cụ thể nào.
Bức tranh chân thực không phải là vô số các que củi nằm cạnh nhau, mà là tập hợp các hộp, trong đó một hộp chứa ba hộp khác, và ba hộp này cứ mỗi hộp lại chứa mười hộp nữa, tiếp tục mỗi hộp trong số mười hộp ấy lại chứa năm mươi hộp khác...
Hoặc một ví dụ tương tự khác: mô tả một mẩu mô ở các mức độ phóng đại khác nhau. Bởi vậy, chúng ta có thể nói về nhu cầu được thỏa mãn hoặc cân bằng, hoặc cụ thể hơn là nhu cầu ăn, hay cụ thể hơn nữa là nhu cầu lấp đầy dạ dày, hoặc cụ thể hơn thế nữa là nhu cầu về protein, rồi nhu cầu về một loại protein cụ thể nào đó...
Quá nhiều danh sách mà chúng ta hiện có đã kết hợp các nhu cầu một cách bừa bãi ở các mức độ phóng đại khác nhau. Với sự lẫn lộn như vậy, có thể hiểu tại sao một số danh sách chỉ chứa ba hoặc bốn nhu cầu, còn những danh sách khác thì chứa hàng trăm. Nếu muốn, chúng ta có thể có một danh sách các nhu cầu chứa từ một đến một triệu nhu cầu, hoàn toàn phụ thuộc vào việc ta phân tích cụ thể đến đâu.
Hơn nữa, cần phải nhận ra rằng nếu chúng ta cố gắng thảo luận về những ham muốn cơ bản thì cần hiểu chúng như các nhóm ham muốn, các phạm trù cơ bản, hoặc các tập hợp của các ham muốn. Nói cách khác, việc liệt kê các mục tiêu cơ bản của con người sẽ là một sự phân loại trừu tượng chứ không phải là một danh sách catalog.
Hơn nữa, tất cả các danh sách nhu cầu từng được xuất bản dường như ám chỉ sự loại trừ lẫn nhau giữa các nhu cầu khác nhau. Nhưng thật ra không có sự loại trừ lẫn nhau đó. Thường có sự chồng chéo đến mức gần như không thể tách biệt nhu cầu này với nhu cầu khác một cách rõ ràng và sắc nét.
Cũng nên phê phán các lý thuyết nhu cầu rằng bản thân khái niệm nhu cầu có lẽ xuất phát từ mối bận tâm về nhu cầu sinh lý. Khi nghiên cứu những nhu cầu này, có thể dễ dàng tách biệt các yếu tố thôi thúc, hành vi có động lực và đối tượng mục tiêu. Nhưng không dễ phân biệt nhu cầu với đối tượng mục tiêu khi chúng ta nói về ham muốn yêu thương. Ở đây, nhu cầu, ham muốn, đối tượng mục tiêu và hành động dường như đều là một.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-chat-ham-muon-cua-con-nguoi-post1474413.html