Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Xử lý 1.383 vụ hàng lậu, hàng giả trong tháng 4
Tháng 4/2023, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 1.699 vụ; xử lý 1.383 vụ; khởi tố 10 vụ. Thu nộp ngân sách nhà nước 240,506 tỷ đồng.
Tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp
Trong tháng 4, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 ngày 22/11/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.
Cùng với đó, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện kế hoạch số 03/KH-BCĐ389/TP của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố ngày 15/2/2023 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 trên địa bàn…
Đồng thời, các lực lượng chức năng Hà Nội tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền hình tăng cường công tác tuyên truyền hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Trong tháng 4, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng...
Việc sản xuất kinh, doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.
Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đặc biệt tháng 4 là “Tháng vì hành động an toàn thực phẩm” với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Do vậy, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã tăng cường phối hợp kiểm tra, bắt giữ một số vụ việc điển hình trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Điển hình như, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Cầu Giấy phát hiện phương tiện vận chuyển hơn 6.000 sản phẩm ăn liền không rõ xuất xứ; Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra, phát hiện 1.300 thùng bánh trên bao bì thể hiện chữ tượng hình, không có nội dung thể hiện nguồn gốc xuất xứ; Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10, tại thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội phát hiện lô hàng kem sữa do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng và 30.000 que kem thành phẩm trên bao bì ghi Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10...
Nhiều kế hoạch được triển khai đồng bộ, hiệu quả
Trong tháng 4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã chủ động tham mưu, đề xuất Trưởng ban, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố các giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường thực hiện Kế hoạch số 04/KH-QLTTHN ngày 15/2/2023 về việc triển khai thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023; Kế hoạch số 05/KH-QLTTHN ngày 15/2/2023 về việc triển khai công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2023; văn bản số 165/QLTTHN-NVTH ngày 28/2/2023 chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn.
Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 496 vụ, xử lý 413 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 4,768 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 3,667 tỷ đồng.
Công an Thành phố, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm tàng trữ, sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và các hành vi vi phạm khác.
Trong tháng, Công an Thành phố kiểm tra 135 vụ, xử lý 115 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1,341 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 5,47 tỷ đồng. Khởi tố 7 vụ đối với 9 đối tượng.
Cục Hải quan Hà Nội, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, trị giá hàng hóa lớn, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; trong đó, đơn vị đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; kiểm tra, kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, đầu tư, gia công, sản xuất, xuất khẩu; hoạt động xuất nhập cảnh nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong tháng, Cục Hải quan phát hiện, bắt giữ, xử lý 90 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 771 triệu đồng; truy thu thuế 1,324 tỷ đồng. Khởi tố 3 vụ đối với 3 đối tượng.