Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2024

BHG - Chiều 2.2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc (phiên thứ 7) nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC năm 2023; xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ CCHC của Chính phủ và đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng BCĐ CCHC của Chính phủ đồng chủ trì. Dự tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Giang.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Giang.

Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển KT - XH. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ triển khai thực hiện 57 nhóm nhiệm vụ CCHC trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm 2023; về cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện 4.142 nhiệm vụ được giao; đã ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC đã đề ra.

Đối với tỉnh Hà Giang, đãtriển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT – XH; chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đất đai, xây dựng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; thu, chi ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong năm 2023, UBND tỉnh ban hành 50 văn bản quản lý, chỉ đạo về CCHC; tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cải cách TTHC đã thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định đối với 267 TTHC; cung cấp dịch vụ công trực tuyến 1.818 dịch vụ công/1.876 TTHC, đạt tỷ lệ 96,81%.

Phát biểu tại chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển; do đó, CCHC cần phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; CCHC phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trên cả 6 lĩnh vực về cải cách thể chế, TTHC, bộ máy hành chính, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tăng tốc, bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện CCHC. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được giao. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT – XH.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Hoàn thiện dịch vụ công cấp huyện, xã; tập trung triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Tăng cường rà soát, tháo gỡ rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch đã phê duyệt…

Tin, ảnh: Kim Tiến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202402/ban-chi-dao-cai-cach-hanh-chinh-cua-chinh-phu-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-516275e/