Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2020
Ngày 3/1, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động BCĐ năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, PCT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phát triển KTTT tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Trong năm 2019, BCĐ đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ thực hiện theo nghị quyết, kế hoạch, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KTTT.
Đến nay, toàn tỉnh có 188 tổ hợp tác; 363 HTX và 1 liên hiệp HTX, trong đó có 337 HTX đang hoạt động, gồm 248 HTX nông nghiệp, 25 HTX công nghiệp - xây dựng, 35 HTX thương mại - dịch vụ, 13 HTX giao thông vận tải, 13 HTX điện năng, 3 quỹ tín dụng nhân dân. Trong năm, đã thành lập mới 73 HTX, tăng 108,5% so với kế hoạch năm. Doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ của HTX đạt bình quân 3.179 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 394 triệu đồng/HTX. Các HTX đang hoạt động có 11.736 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng trên 20 nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2020, BCĐ phát triển KTTT tỉnh đặt chỉ tiêu: thành lập mới 50 HTX trở lên; doanh thu bình quân 1 HTX đạt từ 3.240 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân của người lao động trong các HTX đạt từ 4 triệu đồng/tháng trở lên; xây dựng 22 HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh; xây dựng 2 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phát triển KTTT tỉnh ghi nhận và biểu dương kết quả hoạt động của BCĐ trong năm qua. Các sở, ngành thành viên BCĐ đã tích cực phối hợp tổ chức được nhiều lượt hội chợ quảng bá sản phẩm nông sản tại các địa phương, hệ thống siêu thị tại Hà Nội. Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, các thành viên BCĐ tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTTT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về vai trò quan trọng của KTTT đối với phát triển kinh tế địa phương. Trọng tâm tập trung triển khai tốt Chương trình OCOP, phát triển toàn diện các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… Tăng cường lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ theo chính sách. Các ngành và các địa phương dựa theo tiềm năng hiện có, vận động thành lập HTX theo từng lĩnh vực thế mạnh, cùng với đó quản lý chặt chẽ các HTX, chống thất thu thuế.