Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh: Công tâm, khách quan, đúng quy định pháp luật trong xử lý các vụ việc
Việc Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập trong thời gian vừa qua được cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh rất quan tâm và tin tưởng.
Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Tám - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Tám - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.
PV: Có thể nói, hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh rất vui mừng và đồng tình ủng hộ việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Việc này cho thấy việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh là vô cùng cần thiết. Để mọi người hiểu hơn rõ hơn, đồng chí có thể cho biết chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh là gì?
Đồng chí Nguyễn Văn Tám: Về chức năng của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (viết tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) được quy định tại Điều 2 của Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
Ban Chỉ đạo tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh với 9 nhiệm vụ cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Thứ hai: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Thứ ba: Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư: Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.
Thứ năm: Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.
Thứ sáu: Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị.
Thứ bảy: Chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin, đưa tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những hành vi lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Thứ tám: Tổ chức sơ kết, tổng kết, định kỳ và đột xuất báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Trung ương về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Thứ chín: Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương giao.
PV: Thực tế từ trước đến nay cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm song đây cũng là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vậy quan điểm của Ban Chỉ đạo tỉnh đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Tám: Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo tỉnh đã quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương, xác định rõ trách nhiệm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là của cả hệ thống chính trị; trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng; trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xác định một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết với nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể”.
Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự”.
Quan điểm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý vụ việc, vụ án nhạy cảm, phức tạp là phải công tâm, khách quan, đúng quy định pháp luật. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa xử lý nghiêm khắc với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
PV: Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã được thành lập hơn 4 tháng. Vậy đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong thời gian vừa qua của Ban Chỉ đạo và định hướng sắp tới như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Tám: Ban Chỉ đạo tỉnh thành lập từ tháng 6/2022; đến nay, đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt một số kết quả bước đầu:
- Ban hành Quy chế làm việc, Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 và Quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; trong đó, giao các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của cá nhân để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công; kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý, phụ trách. Chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022.
- Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc có biểu hiện tiêu cực được dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh; đề nghị tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý các đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến Ban Chỉ đạo theo quy định.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, chỉ đạo hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 đảm bảo đúng quy định.
Thứ hai, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án theo Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo.
Thứ ba, ban hành Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về tham nhũng, tiêu cực gửi đến hộp thư điện tử của Ban Chỉ đạo và Quy định về kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh để triển khai thực hiện.
Thứ tư, tổng kết tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh năm 2022; xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Xin cảm ơn đồng chí!