Bạn có bao nhiêu bộ mặt?
Có bạn nữ inbox qua facebook tâm sự vừa quyết định chia tay bạn trai vì phát hiện ra sự khác biệt quá lớn giữa những gì người ấy thể hiện trên facebook cá nhân và thực tế cuộc sống.
Trên facebook cái gì của bạn trai cũng lung linh, kiểu mẫu, hào sảng, ga lăng, tài năng... Nhưng ngoài đời thực thì chỉ là một kẻ bất tài, ăn tục, nói phét, đạo đức giả... Bạn gái đã cố gắng dung hòa, cố gắng tìm những góc độ tích cực của bạn trai để duy trì mối quan hệ mà bạn đã từng nghĩ sẽ tiến tới hôn nhân, nhưng không thể. Bạn gái tâm sự rằng viết cho tôi không phải là tìm lời khuyên (vì bạn đã quyết định rồi) mà chỉ đơn thuần là muốn chia sẻ với một người mà bạn ấy có cảm tình trên facebook, đơn giản vậy thôi.
Một người có quyền có nhiều cuộc đời và thực tế là nhiều người có nhu cầu ấy. Cuộc sống đời thường càng mệt mỏi, vất vả thì con người ta lại càng mong muốn một cuộc sống ảo lung linh trên mạng xã hội. Một người thất bại thảm hại trong cuộc sống đời thường hoàn toàn có thể có một cuộc đời thành công mỹ mãn trên mạng xã hội... Điều này là hết sức bình thường. Một người chuyên đi xử lý khủng hoảng trên mạng xã hội cho nhiều nhân vật nổi tiếng kể với tôi rằng có lần anh phải tìm đến tận nhà của một chủ tài khoản trên mạng xã hội để “thương lượng” vì những gì nhân vật này viết ra đều có mức độ “sát thương” kinh người ảnh hưởng nghiêm trọng đến một nam ca sĩ hàng đầu của Việt Nam. Anh và ê-kíp đã phải chuẩn bị những phương án phòng vệ cẩn thận nhất phòng trường hợp xấu nhất khi gặp nhân vật này. Nhưng khi đến nơi thì nhân vật “cộm cán” trên mạng chỉ là một cậu học sinh cấp 3 đeo kính cận gầy ốm rụt rè trong giao tiếp.
Để hiểu thấu về một người rất khó vì thường ai cũng có nhiều bộ mặt: Bộ mặt với xã hội, bộ mặt với những người trong công ty, bộ mặt với những người thân, bộ mặt với những người thân nhất, bộ mặt với chính mình... Hiểu thấu được một con người là điều không tưởng. Đến đây tôi lại nhớ đến những kiến thức về nhân sự: Những gì mình nhìn thấy về nhân sự (Hành vi, sở thích...) giống như phần nổi của tảng băng trôi, chỉ tiết lộ khoảng 1/3 con người họ thôi, khoảng 2/3 còn lại là gồm những yếu tố mình có thể nhìn thấy (Cảm xúc, suy nghĩ, tư duy, ký ức, mong muốn, trải nghiệm...) và không nhìn thấy (Động lực, động cơ, giá trị, niềm tin...). Con người khó hiểu và khó lường đến vậy nên nỗi đau về nhân sự là nỗi đau nguồn cơn của mọi nỗi đau trong doanh nghiệp.
Trở lại với câu chuyện của cô gái nhắn tin cho tôi, người bạn trai kia không có lỗi, lỗi là ở cô gái quá tin vào những gì cô thấy trên facebook. May là cô đã kịp thoát ra khỏi mối quan hệ này, nếu cô và người bạn trai kia tiến tới hôn nhân thì chắc sẽ là bi kịch cho cả hai. Bài học rút ra là nếu muốn tìm kiếm những thứ thực sự quý giá với bản thân mình thì không thể và cũng không nên phó thác hoàn toàn cho facebook, bởi trên thực tế chẳng có thứ gì dễ dàng cả, có làm thì mới có ăn, có chịu khó học hỏi và làm việc chăm chỉ thì mới có thể thành công...
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-goc-nhin/ban-co-bao-nhieu-bo-mat-1800826.tpo