Ban cố vấn họp bàn về phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ II, năm 2024
Để chuẩn bị tốt nhất cho phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, Ban cố vấn phiên họp đã họp buổi đầu tiên cho ý kiến về các nội dung liên quan phiên họp.
Cùng dự có chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng Ban Tổ chức phiên họp; ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; các thành viên Ban cố vấn phiên họp.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, so với phiên họp giả định đầu tiên năm 2023, phiên họp năm nay có nhiều đổi mới. Năm trước, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với các bộ, ngành và các chuyên gia xác định chủ đề.
Năm nay, ban tổ chức triển khai 2 lần khảo sát, lần một lấy ý kiến của trẻ em về chủ đề phiên họp; lần hai là lấy ý kiến các em, ý kiến cha mẹ và cán bộ phụ trách thiếu nhi đối với các vấn đề, nội dung liên quan đến 2 chủ đề.
Trong nhiều chủ đề được đưa ra, có 2 chủ đề được các em bình chọn nhiều nhất đã được lấy làm chủ đề của phiên họp năm nay.
Nội dung tổng thể phiên họp có nhiều thay đổi. Phiên khai mạc được mô phỏng như là phiên thẩm tra kết quả giám sát đối với 2 chủ đề của phiên họp; phiên thảo luận chia tổ theo cách thức là chia theo đoàn đại biểu, mỗi tổ từ 25-30 đại biểu, thảo luận trực tiếp tại các phòng họp trong Tòa nhà Quốc hội.
Phiên chính thức năm trước là thảo luận tại hội trường và thông qua nghị quyết, còn năm nay, phiên chính thức sẽ mô phỏng một phiên chất vấn về 2 nội dung chính của phiên họp. Các 'bộ trưởng' trẻ em sẽ trình bày báo cáo tình hình liên quan đến 2 chủ đề và sau đó các đại biểu lần lượt chất vấn, ngoài ra có thể chất vấn các bộ, ngành có liên quan.
Tại phiên chính thức sẽ có 2 phóng sự, trong đó một phóng sự báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức phiên họp và kết quả giải quyết kiến nghị của trẻ em tại phiên họp lần thứ nhất; một phóng sự báo cáo kết quả khảo sát, lấy ý kiến cử tri trẻ em đối với các nội dung phiên họp.
Ban cố vấn cùng tham gia tổ thảo luận của các em; đồng hành với các đại biểu vai trò chủ chốt của Quốc hội để giúp các em thể hiện tốt vai trò của mình.
Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ cho rằng, cách thức tổ chức và nội dung phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần II đổi mới rất nhiều so với lần thứ nhất lần I, với việc kết hợp giữa thảo luận chủ đề, giám sát chuyên đề và chất vấn.
Theo ông An, việc thảo luận tổ cần lựa chọn tổ trưởng biết dẫn dắt vấn đề. Không khí thảo luận tại tổ nên tạo cho các em sự tự do, thoải mái trong phát biểu, chia sẻ và có thể mời thêm các đại biểu quốc hội tham dự để trao đổi, truyền lửa cho các em. Bên cạnh đó, ông An gợi ý, sau phiên họp cần đưa ra được thông điệp ý nghĩa với các em và xã hội.
Thống nhất với quan điểm trên, các thành viên Ban cố vấn cũng đề xuất, thiết kế chương trình sao cho việc tranh luận tại tổ thể hiện bản sắc của trẻ em, phải có màu sắc tranh luận thực sự và đặc biệt chú ý đến vai trò đầu tàu là tổ trưởng. Kết quả tại tổ cần được báo cáo đầu phiên chính thức, thể hiện rõ góc nhìn của trẻ em đối với những vấn đề đặt ra.
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024 do T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 27-29/9/2024. Phiên họp sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”.