Bạn đã ăn côn trùng chưa?

Chợ Skun thuộc tỉnh Kampong Cham, nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 70km, cũng là điểm dừng chân quen thuộc trên tuyến đường từ Phnom Penh đến Siêm Riệp, du khách quen gọi là chợ côn trùng...

Nhớ ở Nha Trang khoảng chục năm về trước, có một quán bán món bò cạp chiên bơ, nhưng chỉ vài tháng sau thì đóng cửa, vì dù sao thì con gà, con bò hay con tôm, con cá ăn vẫn ngon hơn. Còn bây giờ thì có nhiều nơi bán dế cơm, con dế được nuôi tử tế, chế biến ngon nên chẳng có gì mà chê. Một thời người ta cứ nuôi đuông mà chặt hư hại biết bao nhiêu cây dừa ở Bến Tre chỉ vì cái món đuông dừa. Cũng có phong trào đi phá ổ mối, lấy mối non chế biến thức ăn.

Một góc chợ Skun (chợ côn trùng ở Campuchia).

Một góc chợ Skun (chợ côn trùng ở Campuchia).

Nhưng những thứ đó so với các món ăn bằng côn trùng ở chợ Skun, Campuchia thì chẳng nhằm nhò gì. Cái danh của ngôi chợ này lan rộng lắm rồi, và thú thật là như bao nhiêu người khác, tôi rất nôn nóng muốn mau chóng đến chợ Skun, ngôi chợ mà mọi người đều khen ngợi là chợ côn trùng lớn nhất, trong ý nghĩ còn tính chuyện ăn thử vài con, theo cách: “Người ta ăn được thì mình ăn cũng được.”

Chợ Skun bán các loại côn trùng.

Chợ Skun bán các loại côn trùng.

Chợ Skun thuộc tỉnh Kampong Cham, nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 70km, cũng là điểm dừng chân quen thuộc trên tuyến đường từ Phnom Penh đến Siêm Riệp, du khách quen gọi là chợ côn trùng ( nói đúng hơn phải nói là chợ chê biến côn trùng thành thức ăn). Do chợ nằm tại thị trấn Skun nên người Campuchia gọi là chợ “Skun”. Chợ Skun lúc đầu là chợ tạm, nhỏ để cho cư dân quanh vùng trao đổi mua bán.Cho đến khi trong các cuộc hành trình, chợ thành điểm đến cho các tour du lịch nên chộn rộn cả ngày.

Chúng tôi đi từ Siêm Riep tới chợ thì đã gần trưa. Khá bất ngờ khi xuống xe, nhìn quanh giống như một cái chợ nông thôn ở Việt Nam. Nhưng thôi, cái chợ lớn hay nhỏ không quan trọng bằng cách nhìn tận mắt các món ăn côn trùng: nhện, dế, bò cạp, nhộng, nhái, cà cuống… nói chung là con gì ăn được đều bày ra để bán.

Du khách thích thú đi mua các loại côn trùng

Du khách thích thú đi mua các loại côn trùng

Tất cả đều nôn nao, ngó quanh quất xem chỗ bán côn trùng. Vì là chợ thị trấn, mà côn trùng chủ yếu tập trung bán cho du khách tò mò, nên có khoảng năm gian hàng bán loại hàng độc đáo này. Khoan nói đến côn trùng, chúng tôi đi dạo quanh chợ Skun. Trên bãi đất trống rộng chừng 500m, ở chính giữa là bãi đổ xe có thể chứ cả chục chiếc xe từ 29- 50 chỗ ngồi. Xe vào bãi đậu thoải mái, không bị thu tiền giữ xe. Khách có nhu cầu đi vệ sinh thì có một nhà vệ sinh khang trang với giá 500 Ria hoặc 2000 đồng tiền Việt. Sau đó cứ thoải mái nhìn ngắm, chụp ảnh, không hề bị la mắng. Thỉnh thoảng vài chủ hàng nói tiếng Việt: “Anh/ chị mua thơm. Anh chị mua thốt nốt…”, mà không mua họ cũng không ép.

Món nhện chiên

Món nhện chiên

Món tằm rang

Món tằm rang

Món dế chiên

Món dế chiên

Tôi ngó quanh tìm chỗ bán côn trùng như bao người khác, bởi mục đích của chúng tôi là đi ăn các sản vật này mà. Không phải bán tập trung, mà những người bán côn trùng bán chen với các gian hàng khác. Chợ có hai dãy nhà, hai dãy nhà này bán đồ ăn cho khách qua đường, bao quanh là các sạp hàng, một số sạp bán côn trùng. Dường như quen với sự tò mò của du khách, đó là họ thích thú lấy điện thoại hoặc máy ảnh chụp các khay bán các con côn trùng đã chế biến, có thể ăn được.

Họ tin chắc sau khi tò mò, khách sẽ mua, và điều đó y như rằng. Không biết những người ở Skun này chế biến như thế nào mà màu sắc các khay côn trùng khác nhau. Con ế ẩm nhất là con nhộng, con được mua nhiều nhất là con dế cơm và con bò cạp. Riêng con nhện thì thấy… ghê ghê, bởi cả đời có ai ăn nhện bao giờ.

Giá cả rất cụ thể, loại nhỏ bán một lon sữa bò 50 ngàn đồng (tiền Việt), những con lớn thì khách cứ chọn lựa từ 10 ngàn đến 20 ngàn/con. Tôi cũng ăn thử một con bọ cạp, cảm giác thịt nó như thế nào không biết, nhưng mùi gia vị mặn ngọt và có mùi thơm. Bên cạnh mỗi hàng bán côn trùng luôn kèm một khay trứng vịt, bán 50 ngàn một chục.

Chợ Skun luôn rộp rịp cả ngày như thế. Đa phần là du khách Việt, thỉnh thoảng cũng có khách Trung Quốc, Đài Loan, nhưng khách Việt là chủ yếu, Ghé chợ, xài tiền Việt, nói tiếng Việt thật là thoải mái và vui vẻ. Tôi đem một ít côn trùng đã chế biến về tận Việt Nam, vì cũng muốn cho bạn bè thấy cái con nhện với con bò cạp sau khi chế biến thành thức ăn nó sẽ như thế nào. Tốn công đem đi xe tính ra gần cả ngàn cây số vậy, mà ai cũng lắc đầu, từ chối món ngon.

https://dulich.petrotimes.vn/

Khuê Việt Trường

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/ban-da-an-con-trung-chua-611518.html