Ban đại diện phụ huynh 'không phải là công cụ của bất cứ ai'

Chuyên gia cho rằng, thành viên trong ban phụ huynh phải có trách nhiệm, tâm huyết tránh tâm lý nể nang thầy cô giáo khi có những khoản thu bất hợp lý.

Khi năm học mới bắt đầu, cùng niềm vui hân hoan tới trường của

học sinh

là nỗi lo về các khoản thu đầu năm của phụ huynh. Giờ đây, ban đại diện cha mẹ học sinh lại trở thành nỗi “ám ảnh” cho chính họ.

Có cần thiết lập ban đại diện cha mẹ phụ huynh?

Trước hàng loạt câu chuyện lạm thu quỹ phụ huynh khi bước vào năm học mới, trao đổi với

Người Đưa Tin

, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng hiện nay Nhà nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của học sinh cho nên việc có sự tham gia đóng góp của phụ huynh vào việc này cũng đã được quy định cụ thể.

“Tuy nhiên, người ta lại lợi dụng các quy định để thu những khoản vô lý là không đúng với ý nghĩa của quỹ phụ huynh. Bộ GD&ĐT cũng đã có quy định chi tiết những khoản được thu và phải nghiêm túc thực hiện chứ không nên thêm bớt”, ông Lâm bày tỏ.

Theo chuyên gia những khoản liên quan đến sửa chữa, thay mới cơ sở vật chất là không phù hợp, cùng với đó quỹ ban phụ huynh chỉ nên được sử dụng trong phạm vi nhu cầu của một lớp chứ không phải là nguồn chi trả cho hàng chục khoản khác nhau.

TS Nguyễn Tùng Lâm đánh giá: “Vấn đề lạm thu hiện nay, trách nhiệm lớn nhất thuộc về hiệu trưởng, người đứng đầu phải nắm rõ việc thu chi trong trường có đúng luật hay không, tránh việc để giáo viên tự ý làm. Sau hiệu trưởng là trưởng ban phụ huynh cũng có vai trò vì không làm đúng nhiệm vụ của mình”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng ban đại diện cho cha mẹ học sinh phải vì quyền lợi của phụ huynh.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng ban đại diện cho cha mẹ học sinh phải vì quyền lợi của phụ huynh.

Thực tế, ban phụ huynh vẫn "chạy theo" thầy cô giáo, có tâm lý nể nang nên mới có những hoạt động như vậy, “thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết, nhưng phải đại diện cho quyền lợi của tất cả phụ huynh học sinh từng lớp chứ không phải là công cụ của bất cứ ai”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đối với ý kiến cho rằng cần xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, chuyên gia cho rằng đây là quan điểm sai lầm, mang tính cực đoan. Cần phải nhận thức đúng vấn đề, xác định đúng vai trò, nhiệm vụ, chức năng của tổ chức này trong nhà trường.

Đưa ra giải pháp, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Phải tìm kiếm được những phụ huynh có trình độ, có thời gian, trách nhiệm và tâm huyết với hoạt động giáo dục của con em mình để đảm nhận trách nhiệm này. Giáo viên có quyền giới thiệu nhưng không phải là người chỉ định, lập ra ban đại diện.

Phụ huynh học sinh cũng phải nhận thức được trách nhiệm, có ý thức xung phong tham trên tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích của tất cả gia đình học sinh, vì hoạt động giáo dục con em ngày một tốt hơn chứ đừng vì lợi ích cá nhân".

GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam.

GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam.

Cần tách bạch vấn đề tài chính

Có quan điểm nên tách bạch vai trò của hội phụ huynh với vấn đề tài chính, GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học

Việt Nam

nhận định: “Chúng ta xây trường phải đáp ứng đủ điều kiện tối đa cho học sinh chứ không nên bắt gia đình đóng góp. Hội phụ huynh học sinh nên đứng ngoài vấn đề kinh tế, thu chi và chỉ có nhiệm vụ liên quan học tập, phối hợp giáo dục với nhà trường”.

Ông Dong bày tỏ quy định của hội phụ huynh cần rõ ràng và không được biến đây là nơi tạo ra những khoản thu bất hợp lý.

“Thực tế nhiều khoản thu phụ huynh không tự nguyện, thậm chí còn gây gánh nặng hơn rất nhiều so với học phí. Hoạt động thu chi cần phải minh bạch, hiệu quả tránh để kẽ hở để có thể lợi dụng gây bất bình cho phụ huynh”, ông Phạm Tất Dong cho hay.

Chuyên gia bày tỏ cần rà soát và sớm có phương án phù hợp cho vấn đề này, tránh tạo bức xúc cho phụ huynh và những tiền lệ không tốt ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-dai-dien-phu-huynh-khong-phai-la-cong-cu-cua-bat-cu-ai-a628884.html