Ban Dân nguyện đề nghị giải quyết đơn của 47 công dân về Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm

Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, trả lời đơn của 47 công dân 'không đồng ý' và 'đề nghị xem xét lại đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm'.

Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có nhiều dự án của các nhà đầu tư trong, ngoài nước cũng nằm trong vùng quy hoạch theo đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nhưng chưa được đánh giá, rà soát. Ảnh: Trúc Nam Sơn

Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có nhiều dự án của các nhà đầu tư trong, ngoài nước cũng nằm trong vùng quy hoạch theo đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nhưng chưa được đánh giá, rà soát. Ảnh: Trúc Nam Sơn

Ngày 5.11.2022 lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa xác nhận cơ quan này đã nhận được công văn của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo về việc chuyển đơn của 47 công dân đề nghị xem xét lại đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.

Công văn nêu trên do Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng ký ngày 1.11.2022, gửi chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Thường trực HĐND tỉnh và đồng thời gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa để phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo công văn đã nêu, Ban Dân nguyện cho biết đã nhận được đơn của 47 hộ dân ký tên, đại diện là bà Nguyễn Lê Bích Trâm, thường trú tại thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có nội dung “không đồng ý và đề nghị xem xét lại đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045”.

Thị trấn Cam Đức có nhiều khu dân cư đã hình thành, sinh sống ổn định từ cả trăm năm qua, cũng nằm trong vùng quy hoạch, đào kênh dẫn nước biển vào chia tách thành đảo theo đồ án Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm. Ảnh: Trúc Nam Sơn

Thị trấn Cam Đức có nhiều khu dân cư đã hình thành, sinh sống ổn định từ cả trăm năm qua, cũng nằm trong vùng quy hoạch, đào kênh dẫn nước biển vào chia tách thành đảo theo đồ án Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm. Ảnh: Trúc Nam Sơn

Cùng với đơn và tài liệu gửi kèm, theo Ban Dân nguyện, 47 hộ dân cho rằng “Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm chưa bám sát tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; gây ảnh hưởng đến đời sống, an sinh xã hội của hơn 110.000 người dân, tác động không tốt đến môi trường tự nhiên và an ninh, quốc phòng nơi đây; đồng thời, chưa có sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tâm linh vốn có”.

Ban Dân nguyện đã chuyển đơn và tài liệu liên quan của 47 hộ dân nêu trên đến chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và đề nghị “xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết đến ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Trúc Nam Sơn

Nhiều cơ quan cũng đề nghị bổ sung đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm

Như Người Đô Thị đã thông tin, đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045, do Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa tổ chức lập, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) tư vấn lập quy hoạch.

Theo đồ án quy hoạch, toàn bộ huyện Cam Lâm (gồm 13 xã và thị trấn Cam Đức) có tổng diện tích hơn 54.659ha (tương đương 546,59km2), dân số hơn 110,65 ngàn người, đều quy hoạch chuyển thành đô thị mới Cam Lâm.

Trong đó, có quy hoạch đào các kênh dẫn nước biển rộng từ 300-350m, chiếm khoảng 1.000ha đất để đưa nước biển vào sâu nhiều khu vực đất liền, chia cả huyện thành 13 khu vực đảo, cụm đảo.

Theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm (ngày 4.10.2022), sau khi tổ chức lấy ý kiến về đồ án trên, huyện đã nhận 9.295 phiếu góp ý. Trong đó, có 2.336 phiếu “không thống nhất với nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm” và 177 phiếu có ý kiến khác. Còn lại 6.782 phiếu (chiếm tỷ lệ 73%) thống nhất với nội dung đồ án.

Sau khi có nhiều ý kiến góp ý như trên, chính đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã có công văn (ngày 28.9.2022) đề nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh cho nghiên cứu bổ sung ba nội dung “để có thêm cơ sở nghiên cứu quy hoạch, đảm bảo tính thực tiễn, bền vững, hài hòa và khả thi của đồ án”.

Bản đồ sử dụng đất và hệ thống kênh đào (rộng từ 300-350m) dẫn nước biển vào sâu trong nhiều khu vực đất liền của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), chia tách thành nhiều đảo theo đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. Ảnh: Trúc Nam Sơn

Bản đồ sử dụng đất và hệ thống kênh đào (rộng từ 300-350m) dẫn nước biển vào sâu trong nhiều khu vực đất liền của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), chia tách thành nhiều đảo theo đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. Ảnh: Trúc Nam Sơn

Cụ thể, đó là đề nghị cho phép lập bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với khu vực đầm Thủy Triều; lập Đề án di dân, chuyển đổi ngành nghề, an sinh xã hội đối với các khu vực bị ảnh hưởng, tác động bởi quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm và cho nghiên cứu bổ sung Đánh giá, rà soát các dự án đã và đang triển khai trong khu vực lập quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, đảm bảo hài hòa lợi ích và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Có 8 sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện Cam Lâm đã thống nhất với các đề nghị bổ sung đó và đề nghị UBND tỉnh cho thực hiện.

HĐND huyện Cam Lâm cũng đã họp (ngày 10.10.2022), thông qua Nghị quyết về đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Trong đó có “đề nghị tăng diện tích đất ở các khu vực ngoại thị, xem xét giữ lại những khu vực dân cư hiện hữu nào có thể giữ lại thì giữ nguyên trạng; đồng thời, bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân bị giải tỏa ở những phân khu này để người dân được hưởng lợi ích từ Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm” và “cần có phương án quy hoạch đất ở dự trữ cho các thế hệ sau này của những người bị thu hồi đất”.

HĐND huyện Cam Lâm cũng đề nghị xem xét việc xây dựng tuyến kênh nước mặn rộng từ 300-350m. Vì khi xây dựng tuyến kênh dẫn nước mặn vào sâu đất liền thì có nguy cơ xâm nhập mặn. Do đó cần “Đánh giá tác động môi trường về xâm nhập mặn, làm rõ giải pháp chống xâm nhập mặn”.

Mặc dù các báo cáo, đánh giá đề xuất kể trên chưa được thực hiện, bổ sung vào đồ án quy hoạch đã nêu nhưng HĐND tỉnh Khánh Hòa đã xem xét, thông qua Nghị quyết “thống nhất nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 (được đính kèm tờ trình số 10162/TTr-UBND ngày 19.10.2022 của UBND tỉnh)” tại kỳ họp chuyên đề vào ngày 21.10.2022.

Trúc Nam Sơn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ban-dan-nguyen-de-nghi-giai-quyet-don-cua-47-cong-dan-ve-quy-hoach-do-thi-moi-cam-lam-37225.html