Bán đảo Crimea và cuộc khủng hoảng quan hệ 3 bên

Cuộc khủng hoảng Nga-Mỹ-Ukraine liên quan tới vấn đề Crimea lại nổi lên như một đề tài nóng của thời sự quốc tế những ngày qua mặc dù sự việc đã diễn ra từ tháng 3-2014. Vì sao vậy?

Ngày 26-1-2018, Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine và việc Nga sát nhập vùng Crimea. Thực ra đây là sự kéo dài kèm thêm mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ từ năm 2014. Lần này, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã thêm 21 người và 9 công ty vào danh sách chế tài, trong đó có một số từng tham gia vào việc cung cấp các động cơ tua-bin khí Siemens cho Crimea.

Một trong số những người bị đưa vào danh sách là Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Andrey Cherezov, người vốn đã bị Liên minh châu Âu chế tài vì vai trò của ông này trong việc cung cấp các động cơ tua-bin khí cho Crimea vào năm ngoái.

Danh sách này cũng bao gồm Sergey Topor-Gilka, người đứng đầu công ty kỹ thuật Technopromexport của Nga, cũng như nhiều chi nhánh của công ty sản xuất dầu Surgutneftegaz, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Khủng hoảng Ukraine - Nga vẫn nóng

Khi thông báo các biện pháp trừng phạt nói trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tuyên bố: “Chính phủ Hoa Kỳ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời trừng phạt những người phá hoại hiệp định hòa bình Minsk”.

Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine, vấn đề bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi năm 2014. Hàng loạt ngân hàng và công ty Nga, cũng như nhiều công chức nước này đã bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt trên của Mỹ. Các hoạt động đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vào Crimea cũng bị đình chỉ. Các biện pháp trừng phạt này đã nhiều lần được chính quyền Washington mở rộng và gia hạn.

Đến cuối tháng 7-2017, Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp siết chặt trừng phạt Nga bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này. Đặc biệt, dự luật còn bao gồm điều khoản ngăn chặn ông Trump dỡ bỏ các chế tài này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20 (Hamburg, Đức) tháng 7-2017.

Cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga đã trôi qua 3 năm nhưng vẫn còn rất nóng mặc dù các bên trực tiếp và gián tiếp trong cuộc khủng hoảng này đã nhiều lần đàm phán và thậm chí còn đi tới thỏa thuận. Tháng 2-2015, lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine cùng ký kết một thỏa thuận ngừng bắn mới với 13 nội dung quan trọng tại Minsk, thủ đô Belarus.

Ngoài các nhà lãnh đạo trên, thỏa thuận này còn có chữ ký của tổ chức mang tên “Nhóm liên lạc Ukraine” bao gồm giới quan chức tại Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, đại diện tổ chức Hợp tác An ninh châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Kuchma và Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov.

Nội dung chủ đạo trong thỏa thuận trên là việc các bên tham chiến tại miền Đông Ukraine bắt đầu thi hành thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 15-2-2015, đồng thời mở rộng vùng đệm giữa hai chiến tuyến và rút lui các loại vũ khí hạng nặng. Ngoài ra, thỏa thuận này còn xây dựng lộ trình thiết lập quyền tự trị tại các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai tại miền Đông Ukraine.

Từ đó đến nay, hễ khi nào gia hạn hay ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, các nước phương Tây luôn cho rằng Nga không tuân thủ thỏa thuận Minks. Lần này cũng không ngoại lệ. Nhưng Moskva thì luôn cho là Kiev không tuân thủ thỏa thuận này bằng cách này hoặc cách khác. Ngày 24-1-2018, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc những người ủng hộ giải quyết cuộc xung đột tại Donbass bằng vũ lực đang muốn xóa bỏ thỏa thuận Minsk.

Phát biểu tại một sự kiện ở Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Con đường duy nhất giải quyết khủng hoảng tại Ukraine là thực hiện triệt để và đầy đủ toàn bộ các điều khoản của Minsk, đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua”. Tuy nhiên, theo ông Lavrov, trở ngại chính trên con đường này là “đảng chiến tranh” cầm quyền của Kiev, muốn chôn vùi các thỏa thuận Minsk và đang bị lực lượng cực đoan chi phối, tuyên bố phong tỏa Donbass và Quốc hội thông qua luật bao biện cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng bên trong Ukraine bằng con đường vũ lực.

Trước đó, ngày 18-1, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật do Tổng thống Petro Poroshenko đệ trình “về tái hòa nhập Donbass”. Trong văn kiện này, những khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của Kiev gồm Donetsk và Lugansk được gọi là những khu vực “bị chiếm đóng tạm thời”, còn những hành động của Nga được xem như “xâm lược Ukraine”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine được trao quyền sử dụng các lực lượng vũ trang bên trong Ukraine mà không cần sự đồng ý của Quốc hội, bao gồm cả việc giải phóng những khu vực ở miền Đông nước này.

Và cứ sau mỗi lần Mỹ và phương Tây trừng phạt Nga thì liền sau đó Moskva trả đũa. Các màn ăn miếng trả miếng như vậy cũng kéo dài suốt 3 năm qua. Lần này không khác các lần trước. Ngày 26-1-2018, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo phản đối “một chiến dịch trừng phạt vô lý, đã và sẽ không đạt kết quả nào”.

Theo họ, các biện pháp đó được ban hành với một cái cớ do Hoa Kỳ bịa ra về sự can dự của Nga vào khủng hoảng Ukraine. Về phần Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện Nga, Leonid Sloutski, ông tin rằng Moskva sẽ trả đũa các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Ngày 27-1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho rằng chính sách trừng phạt của Mỹ chỉ nhằm một mục đích là kiềm chế Nga và cổ vũ châu Âu khi đối tác này ngày càng hoài nghi về tính đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.

Ông Kosachev đánh giá các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga chỉ như một thủ tục thông thường. Người đứng đầu Ủy ban Thượng viện Nga nhấn mạnh từ đầu thập niên 1970, Quốc hội Mỹ đã ban hành hơn 500 đạo luật về các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại các quốc gia khác, chưa kể đến các sắc lệnh của Tổng thống.

Theo ông Kosachev, các lệnh trừng phạt của Mỹ được thi hành theo mọi hướng, và ở mọi nơi có thể vì quyền lợi của nước này. Thực ra các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã có lúc tưởng bóp nghẹt được nền kinh tế Nga hồi năm 2015 nhưng 2 năm qua, kinh tế Nga đã khởi sắc khi dầu tăng giá.

Bởi vậy mà Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 27-1 tuyên bố, các biện pháp trừng phạt mới bổ sung của Mỹ đối với Nga dường như sẽ không gây tổn hại tới sản xuất nội địa của Nga mà sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển.

Moskva không đối đầu với Washington

Trước đó, ngày 21-1, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố những mưu toan của Mỹ nhằm thay đổi chính sách đối ngoại của Liên bang Nga bằng cách gây áp lực với giới thượng lưu và một số công ty không có viễn cảnh tốt đẹp.

Theo ông Lavrov, chính sách đối ngoại của Nga là độc lập, tự chủ, dựa trên những lợi ích quốc gia, không bị thay đổi do áp lực từ bên ngoài. Ông nêu rõ trong nhiều năm qua, Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt vô căn cứ chống Nga, song đến nay vẫn không thể thay đổi “chính sách mang tính xây dựng, cởi mở và trung thực của Nga”.

Đề cập tới quan hệ Nga-Mỹ, Ngoại trưởng Nga khẳng định Moskva không tìm kiếm sự đối đầu với Washington, trái lại luôn sẵn sàng cải thiện và hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.

Thực vậy, Nga luôn tìm cách hòa giải với Mỹ, không chỉ liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay mà còn cả trong những biến động khác của lịch sử. Trong bức thư gửi tới Tổng thống Trump nhân dịp lễ cuối năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng rằng Nga và Hoa Kỳ sẽ có đối thoại xây dựng hơn trong năm 2018.

Theo tin của hãng AP, ông Putin nói với ông Trump qua thư rằng hai nước nên phát triển “sự hợp tác thực dụng nhằm mục tiêu dài hạn” trên cơ sở “bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. Nước Nga đặt nhiều hy vọng ở ông Trump khi ông này đắc cử Tổng thống Mỹ. Nhưng hơn một năm qua, quá trình hòa giải Nga-Mỹ ngày càng nhọc nhằn.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã nhiều lần hùng hồn hứa hẹn hòa giải mối quan hệ giữa Mỹ với nước Nga. Một năm sau, kể từ khi ông vào Nhà Trắng, bầu không khí Chiến tranh Lạnh vẫn đè nặng lên mối quan hệ này hơn bao giờ hết. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Donald Trump, Washington và Moskva không ngừng chỉ trích gay gắt và đe dọa trừng phạt lẫn nhau.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố trừng phạt của Mỹ với Nga không có viễn cảnh tốt đẹp.

Theo nhận định của chuyên gia Vladimir Vassiliev, Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada tại Moskva, người ta đang chứng kiến một nghịch lý. Hai bên luôn kêu gọi cải thiện hơn nữa mối quan hệ song phương, nhưng trên thực tế, mối quan hệ này ngày càng trở nên tồi tệ. Nước Nga hy vọng với thắng lợi của Donald Trump, quan hệ Moskva - Washington sẽ lại khởi sắc.

Nhưng giờ đây đó chỉ là một ảo tưởng. Giữa Nga và Mỹ vẫn còn tồn đọng nhiều bất đồng. Các hồ sơ quốc tế lớn như Ukraine, Syria, Iran hay Triều Tiên càng đào sâu thêm căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc. Mỹ buộc phải đưa ra các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt chống lại Nga.

Trong một bài viết đăng trên báo Pháp Les Echos hồi trung tuần tháng 11-2017, chuyên gia Tatiana Kastoúeva-Jean nhận định: sau một năm cầm quyền của Donald Trump, giới lãnh đạo Nga đối diện với hai sự thật. Thứ nhất, Nga không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thứ hai, nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ và mối nghi ngờ về liên hệ giữa những người thân cận của ông Donald Trump với Moskva cản trở đáng kể phạm vi hoạt động của Điện Kremlin.

Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo Nga chỉ biết tạm thu mình chờ thời, mong cho bão tố qua mau. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ hiện nay cũng không phải là người duy nhất gặp thất bại trong việc mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga. Vì sao?

Ông Thomas Graham, từng là cố vấn cho cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, trong một lần trả lời phỏng vấn cho báo Nga Sputnik, đã khẳng định: “Thế giới ngày nay đã thay đổi, đi từ thế giới lưỡng cực sang đa cực. Do đó, quan hệ Mỹ - Nga cũng phải thích ứng theo. Thế nhưng, cả hai nước vẫn chưa thể đạt được điều đó, bởi vì “ký ức lịch sử, thói quen thời Chiến tranh Lạnh và cách suy nghĩ theo sơ đồ cũ đang kìm hãm sự phát triển bình thường của mối quan hệ song phương này”.

Dù vậy, giới lãnh đạo Nga vẫn nuôi hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ nhọc nhằn này. “Họ vẫn tin rằng ông Trump không mong muốn một sự đối đầu toàn diện và hy vọng cải thiện vẫn còn đó. Năm nay không được thì vào năm tới vậy”, chuyên gia Ivan Kourilla, thuộc trường Đại học châu Âu Saint-Petersbourg, nhìn nhận.

Trong khi mối quan hệ Nga-Mỹ đã vậy, tình hình láng giềng Nga-Ukraine ngày càng tệ hơn. Ngày 26-1-2018, nhật báo Nga Kommersant than thở hố sâu ngăn cách về ý thức hệ giữa hai quốc gia đã lớn đến mức không thể đảo ngược. Quốc hội Ukraine gần đây chính thức tuyên bố thông qua một luật cấm sử dụng tiếng Nga trong trường tiểu học và sắp tới là quy định mới về nhập cảnh đối với công dân Nga.

Chưa đi đến mức thiết lập một chế độ visa, nhưng các quy định này sẽ gây nhiều rắc rối cho người Nga. Chính quyền Ukraine đang dần dà chia cắt người dân nước này với Moskva, với ngôn ngữ Nga và “thế giới Nga”.

Liên lạc với Moskva bị giảm xuống ở mức tối thiểu, và trong năm 2018, cơ quan lập pháp Ukraine có thể lại thảo luận về việc chấm dứt quan hệ ngoại giao với Nga, ngưng tuyến đường sắt nối liền hai nước. Tuy nhiên theo Kommersant, nếu tỏ ra cực đoan, Ukraine có thể mất luôn cơ hội lấy lại Donbass một cách hòa bình.

“Đầu tàu Ukraine đã tăng tốc từ năm 2014 sau khi mất Crimea và Donbass, lao thẳng về hướng ngày càng rời xa nước Nga, không hẹn ngày trở lại”, tờ báo viết.

Với những diễn biến trên, giới quan sát lo ngại cuộc khủng hoảng Nga-Mỹ-Ukraine sẽ không dễ gì được giải quyết trong một hay hai thế hệ lãnh đạo.

M.T. (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ban-dao-crimea-va-cuoc-khung-hoang-quan-he-3-ben-477102/