Bán đảo PENINSULA - Mượn zombie vạch thói xấu con người
Chỉ sau 2 tuần ra rạp tại Việt Nam (từ ngày 15-7), bộ phim Hàn Quốc Bán đảo Peninsula (được xem là phần 2 của phim Chuyến tàu đến Busan) với doanh thu phòng vé khoảng 65 tỷ đồng đã thực sự tạo một cơn sốt kéo người xem quay lại rạp chiếu sau đợt cách ly xã hội đầu tiên vì dịch Covid-19.
Nếu không có gì trở ngại, Peninsula sẽ trở thành phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất qua mọi thời kỳ tại Việt Nam (vượt cột mốc 72 tỷ đồng do phim đoạt giải Oscar Ký sinh trùng nắm giữ).
* Peninsula = Baby Driver + Mad Max + Train To Busan
“Hấp dẫn, mê hoặc từ đầu đến cuối… Đạo diễn Yeon Sang-ho đưa câu chuyện Chuyến tàu đến Busan từ năm 2016 đến bối cảnh một bán đảo xứ Hàn bị tàn phá và cách ly bởi sự bùng nổ của zombie (xác sống)” - Tạp chí điện ảnh Screen Daily viết về Bán đảo Peninsula và cho rằng bộ phim này sẽ góp phần vực dậy và làm phục hồi thị trường phim chiếu rạp rất “te tua” sau dịch Covid-19 ở châu Á.
Khán giả xem Bán đảo Peninsula (thuộc thể loại phim hành động, kinh dị, phiêu lưu) thú vị nhận ra bộ phim mang “bóng dáng” tổng hợp của những tác phẩm điện ảnh đình đám trước đây như Baby Driver (Quái xế Baby) + Mad Max: Fury Road (Max điên: Con đường tử thần) + Train To Busan!
Peninsula có các cảnh hành động và kỹ xảo được thực hiện xuất sắc và bắt mắt, đem lại những giây phút giải trí “nghẹt thở” cho người xem. Những cảnh con người đuổi bắt, cuộc rượt đuổi xe hơi phi thường hay chạy trốn bầy đàn zombie kịch tính và thót tim, đưa cuộc chiến sinh tồn ác liệt giữa hai đối tượng lên mức cao độ và ác liệt. Do đó bộ phim là một trải nghiệm điện ảnh xứng đáng cho khán giả xem phim giải trí như những “bom tấn” hành động của Hollywood vậy. Nhìn chung, kỹ xảo là ưu điểm không thể chối cãi trong phim của đạo diễn Yeon Sang-ho.
Mặc dù được xem là “phần 2 của Chuyến tàu đến Busan” song hướng khai thác của Peninsula hoàn toàn khác biệt và độc lập. Phim mới giảm mạnh yếu tố kinh dị của Chuyến tàu đến Busan để tăng cường rất nhiều pha hành động, chiến đấu, đuổi bắt. Các xác sống gây ấn tượng mạnh và đôi chỗ có thể khiến khán giả giật mình và run sợ!
Phim lấy bối cảnh giả tưởng bốn năm sau Chuyến tàu đến Busan, khi Hàn Quốc tan hoang vì virus gây nên đại dịch zombie và trở thành “bán đảo xác sống” chứ không còn là một quốc gia bình thường nữa.
Cựu quân nhân Jung Seok (Kang Dong Won đóng) trở lại bán đảo hoang tàn nhằm thực hiện nhiệm vụ tìm một số tiền khổng lồ mang về lại Hong Kong để nhận tiền thưởng hậu hĩ. Nào ngờ Jung Seok và đội của anh phải đối mặt lũ xác sống khát máu. Ngoài ra anh còn bị phục kích bởi một nhóm binh sĩ được gọi là Đơn vị 631 do trung sĩ Hwang (Kim Min-jae) và đại úy Seo (Koo Kyo-hwan) cầm đầu.
* Thói xấu và bản năng sinh tồn
Chuyện phim thực ra không có gì mới mẻ khi vẫn dựa vào đặc trưng kinh điển của dòng phim xác sống: một nhóm nhân vật bị cô lập, tìm mọi cách để sinh tồn giữa bầy xác sống thoắt ẩn thoắt hiện khắp mọi nơi. Những người tuyệt vọng cầu xin sự giúp đỡ của người khác song bị từ chối phũ phàng.
Khi Jung Seok bị mắc kẹt trên bán đảo, anh thấu hiểu tâm trạng của những người buộc phải sống chung với zombie sợ hãi như thế nào. Đồng thời họ cũng có khát vọng mãnh liệt đào thoát khỏi cuộc sống mắc kẹt “trong địa ngục trần gian” này. Chính bản thân Jung Seok cũng có người thân bị zombie ăn thịt.
Peninsula không chỉ miêu tả con người quyết liệt chống lại đám xác sống mà còn có trận chiến nảy lửa giữa chính những con người với nhau. Rằng khi đối mặt ngưỡng cửa sống - chết, bản năng sinh tồn của con người trỗi dậy và sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả việc gây hại cho người khác để đổi lấy cơ hội sống cho chính mình. Những kẻ xấu xa nhất cũng rơi vào cuộc chiến sống còn trước bầy zombie ghê rợn.
“Mượn zombie vạch thói xấu con người”, Peninsula đã cho nhóm xác sống có tác dụng “điểm tô” cho chính các con người đấu với nhau. Bộ phim vạch trần nhiều “thói hư tật xấu” của con người như ích kỷ, kỳ thị, tham lam, phần “con” khỏa lấp phần “người” và đối xử với nhau man rợ, tàn bạo.
Dù vậy, Bán đảo Peninsula vẫn lồng chứa tình cảm gia đình và mang lại xúc cảm cho khán giả với hình ảnh một người mẹ Min-jung (Lee Jung-hyun) luôn lo lắng bảo vệ hai cô con gái nhỏ, Jung-seok nỗ lực tìm kiếm người thân hay nỗi tuyệt vọng của một người lắm lần định tự vẫn để chấm dứt cuộc sống cô lập “như ngục tù”.
Những giờ phút các nhân vật đối diện lằn ranh sống chết cách nhau như sợi tóc hay cảnh Min-jung xả thân đối đầu với binh đoàn xác sống để bảo vệ con mình trong phim sẽ khiến khán giả nhớ đến. Thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng “bất khả xâm phạm” cùng ý nghĩa “đừng bao giờ bỏ cuộc” là những điều khó quên khác.