Bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn

Khoảng 1,4 triệu thanh niên, bao gồm sinh viên và quan chức Đoàn Thanh niên Triều Tiên đã gia nhập hoặc quay trở lại quân đội trong tuần này giữa căng thẳng với Hàn Quốc.

Cảnh quay từ camera giám sát cho thấy cảnh Triều Tiên cho nổ tung một phần tuyến đường Gyeongui (trên), cũng như một phần tuyến đường Donghae (dưới) ngày 15-10. Ảnh: Yonhap

Cảnh quay từ camera giám sát cho thấy cảnh Triều Tiên cho nổ tung một phần tuyến đường Gyeongui (trên), cũng như một phần tuyến đường Donghae (dưới) ngày 15-10. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16-10 cho biết, khoảng 1,4 triệu thanh niên Triều Tiên đã gia nhập hoặc trở lại quân ngũ trong tuần này. Các bức ảnh do KCNA công bố cho thấy rất đông thanh niên Triều Tiên hàng ngũ chỉnh tề đang ký đơn xin gia nhập quân đội. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng mạnh và theo KCNA, có hơn một triệu thanh niên đăng ký gia nhập Quân đội Nhân dân Triều Tiên chỉ trong vòng hai ngày. Theo KCNA, thanh niên Triều Tiên quyết tâm chiến đấu trong một "cuộc chiến tranh thiêng liêng tiêu diệt kẻ thù bằng vũ khí của cách mạng". Vào năm 2023, truyền thông Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố tương tự về việc công dân nước này tình nguyện nhập ngũ.

Gần đây, quan hệ liên Triều liên tục gia tăng căng thẳng. Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết sáng 15-10, thông báo rằng quân đội Triều Tiên đã kích nổ phá hủy một phần các tuyến đường Gyeongui và Donghae ở phía Bắc Đường ranh giới quân sự (MDL). Đây là các đoạn đường dẫn đến Hàn Quốc ở phía Đông và phía Tây bán đảo Triều Tiên, được xây dựng trong thời kỳ hòa giải giữa hai miền Triều Tiên vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, trong những năm gần đây chúng không còn hoạt động do mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Từ đoạn video do quân đội Hàn Quốc cung cấp, người ta có thể thấy các vụ nổ xảy ra tại những con đường ở khu vực biên giới liên Triều, trong khi binh lính và xe tải của Triều Tiên được huy động đến hiện trường. Quân đội Hàn Quốc cũng đã nổ súng bắn cảnh cáo ở phía Nam Đường ranh giới quân sự (DML) chia cắt hai miền Triều Tiên để phản ứng động thái của Bình Nhưỡng. Theo JCS, quân đội Hàn Quốc đang tăng cường khả năng giám sát và sẵn sàng chiến đấu. Các vụ nổ này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng cam kết vào tuần trước rằng họ sẽ hoàn toàn cắt đứt các tuyến đường bộ, đường sắt liên Triều và tiếp tục củng cố các khu vực ở phía biên giới Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng cho hay họ đã thông báo cho quân đội Mỹ về động thái này để "ngăn chặn mọi phán đoán sai lầm và xung đột ngoài ý muốn".

Trong bối cảnh tiến trình đối thoại bế tắc, thời gian qua, hai miền Triều Tiên đã thực hiện các hành động "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau. Triều Tiên hủy bỏ hoàn toàn các chính sách và cơ chế liên quan đến hòa giải với Hàn Quốc, coi Seoul là "quốc gia thù địch", đồng thời tiếp tục các vụ thử vũ khí. Về phần mình, Hàn Quốc tăng cường tiềm lực quân sự, củng cố liên minh với Mỹ thông qua thực hiện các biện pháp răn đe mở rộng, trong đó có việc tiến hành những tập trận chung mà Triều Tiên luôn coi là hành động "tập dượt cho một cuộc chiến tranh" nhằm vào Bình Nhưỡng. Cuộc chạy đua vũ trang, bao gồm cả tên lửa và hạt nhân khiến an ninh bán đảo Triều Tiên trở nên rất khó đoán định.

Việc Triều Tiên phá hủy đoạn đường kết nối với Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. KCNA ngày 11-10 đưa tin Hàn Quốc gần đây đã điều thiết bị bay không người lái di chuyển qua Bình Nhưỡng ba lần. Triều Tiên gọi đây là hành động khiêu khích quân sự và vi phạm chủ quyền của nước này. Theo KCNA, thiết bị bay không người lái Hàn Quốc đã xuất hiện tại Bình Nhưỡng vào ngày 3-10, 9-10 và 10-10 để phát tán tờ rơi tuyên truyền. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun khẳng định Seoul không cử thiết bị bay không người lái tới Triều Tiên. Ông Kim Yong-hyun nêu rõ: "Chúng tôi không làm điều đó".

Đến ngày 14-10, KCNA cho biết quân đội Triều Tiên đã yêu cầu các đơn vị pháo binh ở biên giới phía Nam của nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Bản tin của KCNA có đoạn nêu rõ quân đội đã yêu cầu 8 lữ đoàn pháo binh cần sẵn sàng và các lực lượng phòng không tăng cường nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã công bố số lượng cụ thể là 8 lữ đoàn pháo binh được bố trí gần khu vực tiền tuyến biên giới và tuyên bố trong trạng thái "sẵn sàng khai hỏa".

Những vấn đề căng thẳng gây xung đột liên Triều trong giai đoạn này đang được đánh giá là lớn nhất kể từ khi chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol lên cầm quyền tháng 5-2022. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã phản ứng với tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng pháo thiện chiến như pháo tự hành K-9. Công tác chuẩn bị đã được tăng cường đến mức có thể triển khai các lực lượng pháo binh này đến các vị trí tác chiến trong thời gian ngắn nhất trong trường hợp cần thiết. Thông tin cho biết Hàn Quốc cũng tăng cường các phương tiện trinh sát như vệ tinh và thiết bị bay không người lái để theo dõi mọi động thái di chuyển khí tài của quân đội Triều Tiên.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ban-dao-trieu-tien-cang-nhu-day-dan-post302934.html