Bán đảo Triều Tiên sẽ có hòa bình?
Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên luôn là vấn đề quan tâm của các lãnh đạo hai miền Triều Tiên suốt nhiều năm qua. Và nay, vấn đề này đang được quan tâm nhiều hơn, sau thông báo của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 13-12 rằng CHDCND Triều Tiên cùng Mỹ, Trung Quốc đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ tiến tới ký kết hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh.
Thông báo trên đã được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 13-12. Ông Moon Jae-in cho biết thêm, việc ký kết một hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên đồng nghĩa với việc chiến tranh chính thức chấm dứt hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán thống nhất giữa hai miền cũng như đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp năm 2018
Đây không phải lần đầu vấn đề hòa bình thực thụ trên Bán đảo Triều Tiên được lãnh đạo hai miền Triều Tiên đặt ra và bản thân Tổng thống Moon Jae-in cũng từng vài lần đặt vấn đề này ra trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ. Gần đây nhất, hồi tháng 9-2021, ông Moon Jae-in cũng đã nêu vấn đề này tại phiên họp toàn thể Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Khi đó, ông Moon Jae-in đã kêu gọi các bên liên quan (bao gồm Mỹ và CHDCND Triều Tiên) hãy ngồi lại với nhau để ra một tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun (giai đoạn 2003-2008), ông Moon Jae-in với vai trò là Chánh Văn phòng Tổng thống đã nỗ lực thúc đẩy chương trình đàm phán thống nhất hai miền Nam và Bắc Triều Tiên. Chương trình khi đó đã bị dừng lại sau khi các nhà ngoại giao, các Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và Tổng thống Mỹ George Bush ra sức ngăn cản, thuyết phục Tổng thống Roh Moo-hyun rằng việc đưa ra hành động hòa giải trước khi CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân là một sai lầm.
Kể từ khi chiến tranh chấm dứt cách đây 70 năm, hai miền Triều Tiên chỉ tạm thời đình chiến, về mặt kỹ thuật thì chiến tranh vẫn chưa chấm dứt vì hai bên chưa ký kết hiệp định hòa bình mà chỉ tạm thời thực thi lệnh đình chiến năm 1953. Suốt nhiều năm qua, an ninh trên Bán đảo Triều Tiên thường xuyên là vấn đề nóng được thế giới quan tâm. Giữa hai miền Triều Tiên đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán, trao đổi thông tin ở các cấp độ khác nhau, kể cả cấp lãnh đạo cao nhất, hướng đến việc thống nhất hai miền.
Lãnh đạo Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc trong cuộc hội đàm cấp cao nhất tại Bàn Môn Điếm vào tháng 4-2018. Hai miền Triều Tiên cũng đã thực hiện chương trình trao đổi kiều bào để giúp nhiều gia đình người Triều Tiên ly tán vì cuộc chiến 1950-1953 trở về đoàn tụ với nhau. Đặc biệt, hai miền Triều Tiên đã cử đoàn vận động viên tham dự Olympics 2018 chung một màu cờ, đánh dấu bước phát triển cao nhất của tiến trình hòa hợp giữa hai miền.
Bên cạnh đó, giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã có những cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, với những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, căng thẳng lại xuất hiện trở lại sau khi hai bên Mỹ và CHDCND Triều Tiên không thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, yêu cầu của CHDCND Triều Tiên về việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc mà CHDCND Triều Tiên xem là hành động khiêu khích, đe dọa an ninh CHDCND Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng, dựa vào những nỗ lực trong quá khứ, ông Moon Jae-in đang có động lực lớn để thúc đẩy các bên liên quan tiến đến đàm phán ký kết hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Hơn nữa, ông Moon Jae-in cũng muốn để lại “di sản” nhiều ý nghĩa, đó là một hiệp định hòa bình mong mỏi bao lâu nay sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 5-2022. Liệu mong muốn của ông Moon Jae-in có trở thành hiện thực hay cũng lại gặp trắc trở và không đi đến đâu như những lần trước đây?
Đương nhiên, hai nước Nga và Trung Quốc sẽ rất ủng hộ việc ký kết hiệp định hòa bình, bởi nó sẽ mang lại hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc là lý do mấu chốt khiến cho an ninh trên Bán đảo Triều Tiên luôn luôn “nóng” và nhiều nỗ lực trong quá khứ nhằm thống nhất hai miền Triều Tiên thất bại.
Ở phía ngược lại, giới phân tích cho rằng khó khăn lớn nhất sẽ đến từ phía Mỹ. Người Mỹ sẽ lo ngại việc ký kết hiệp định hòa bình đồng nghĩa lệnh đình chiến sẽ hết hiệu lực thi hành và khi đó CHDCND Triều Tiên và một số quốc gia trong khu vực sẽ nhân đây gây áp lực phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ và Liên Hiệp Quốc tại vĩ tuyến 38 (khu vực phi quân sự) và sẽ vận động cộng đồng quốc tế yêu cầu rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi Bán đảo Triều Tiên. Người Mỹ đưa ra lý do việc rút quân sẽ làm suy yếu khả năng bảo vệ các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng thực chất điều Mỹ lo ngại nhất chính là nước này sẽ mất đi một căn cứ quân sự chiến lực quan trọng trấn giữ khu vực này.
Một vấn đề nữa cũng sẽ gây trở ngại cho việc ký kết hiệp định hòa bình, đó là việc Mỹ sẽ cương quyết yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Đây là một vấn đề lớn, rất khó giải quyết. Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã trải qua rất nhiều vòng đàm phán, trong đó có những vòng đàm phán 6 bên do Trung Quốc khởi xướng nhưng cuối cùng không mang lại kết quả và đã dừng đàm phán nhiều năm qua. Nếu Mỹ lại đặt ra vấn đề phi hạt nhân hóa, chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của CHDCND Triều Tiên, nguy cơ đổ vỡ sẽ rất cao.