Bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng khi Mỹ gia hạn lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng
Washington tiếp tục gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/6 đã gia hạn một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên, cũng như tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới mối đe dọa hạt nhân mà nước này cáo buộc do Bình Nhưỡng gây ra.
Quyết định trên cũng được Nhà Trắng thông báo cho Quốc hội. Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và tình trạng khẩn cấp quốc gia lần đầu tiên được đưa ra khi cựu Tổng thống George W. Bush ký một sắc lệnh hành pháp vào năm 2008.
"Sự tồn tại và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tạo thành một mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ", Tổng thống Biden nhấn mạnh khi công bố quyết định trên.
Sắc lệnh hành pháp bao gồm một loạt các hạn chế đối với Triều Tiên, trong đó có việc đóng băng tài sản, cấm vận thương mại, cấm đi lại và cấm các công ty Mỹ tìm cách kinh doanh tại Triều Tiên. Trong khi hầu hết các chính sách đó đã được áp dụng trước sắc lệnh năm 2008, biện pháp này cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, trao cho Tổng thống thêm quyền lực trong một số trường hợp nhất định.
Tương tự như các chính quyền tiền nhiệm, ông Biden đã nhiều lần kêu gọi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2021, Tổng thống Biden đã cho phép thực hiện một loạt các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ với Hàn Quốc, điều mà Triều Tiên đã lên án là hành động gây hấn và để đáp lại, Bình Nhưỡng đã tiến hành hàng chục vụ thử vũ khí trong những năm qua, bao gồm cả việc thử một số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Trung Quốc gây sức ép để buộc Bình Nhưỡng tham gia đối thoại. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết khi Washington giải quyết "mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên".
Hiện Triều Tiên vẫn chưa có bất kỳ phản ứng gì về quyết định gia hạn trừng phạt của Washington.
Trong thời gian gần đây, Triều Tiên liên tụ thực hiện các vụ phóng vệ tinh và thử tên lửa. Mới đây nhất, ngày 15/6, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía đông nước này. Ngay sau đó, Nhật Bản xác nhân cả hai quả tên lửa này đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất, cũng là cuộc tập trận đầu tiên kiểu này trong 6 năm qua, tại thao trường Pocheon, chỉ cách biên giới liên Triều 25 km. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố các lực lượng của Bình Nhưỡng sẽ đáp trả cứng rắn "bất kỳ hành động khiêu khích nào".
Hồi cuối tháng 5 Bình Nhưỡng cũng thực hiện một vụ phóng vệ tinh trinh sát quân sự bất thành và đã bị Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng hành động này vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc về việc cấm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này thực hiện bất kỳ vụ thử nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên tuyên bố sau vụ phóng thất bại rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi và sẽ thành công trong chương trình phóng vệ tinh trinh sát quân sự.