Bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ: Hành trình vĩ đại vì độc lập dân tộc

Lần đầu tiên, 'Bản đồ về hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ' được nghiên cứu và xuất bản đúng dịp chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 / 5-6-2021).

Đây là tấm bản đồ tái hiện quá trình lịch sử tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng của Bác Hồ từ ngày 5-6-1911 đến ngày 28-1-1941, do tác giả, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn biên soạn, Vũ Hoàng Thái Vân thiết kế đồ họa, ông Nguyễn Phan Nam An (Trưởng Ban quản lý sách chính trị - kinh tế, NXB Trẻ) biên tập và NXB Trẻ ấn hành tháng 6-2021. Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn cho biết, ông bắt tay thực hiện tấm bản đồ dựa trên những dữ liệu lịch sử sưu tập từ chuyến đi làm phim ký sự tài liệu “Hành trình theo chân Bác” (gồm 91 tập phim màu, do Lý Quang Trung đạo diễn, Hãng phim TFS - Đài Truyền hình TP.HCM sản xuất) và xuất bản cuốn sách “Hành trình theo chân Bác” (NXB Trẻ vừa tái bản tháng 6-2021).

Bản đồ hành trình theo chân Bác

Bản đồ hành trình theo chân Bác

“Tôi rất vui khi công trình sử liệu về hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ được thể hiện qua hình thức bản đồ với 10 chặng đường chi tiết kèm đồ thị thể hiện từng cột mốc thời gian giai đoạn 1911-1941. Khi nhìn vào tấm bản đồ, chúng ta xúc động và nghiêng mình cảm phục hành trình vĩ đại của một lãnh tụ vĩ đại” - ông Trần Đức Tuấn, năm nay đã tròn 80 tuổi nói.

- Phóng viên: Tấm bản đồ một lần nữa khẳng định những giá trị lịch sử đặc biệt từ hành trình bôn ba của Bác Hồ. Với riêng mình, ông cảm nhận ra sao?

- Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn: Chúng ta vô cùng kính nể hành trình hoạt động và dấu chân mà Người đã đặt lên bản đồ thế giới với mục tiêu xuyên suốt là tìm ra con đường độc lập dân tộc cho nước nhà. Bác đã đi tìm hiểu nhiều khu vực thuộc địa trên thế giới, từ châu Á sang châu Âu, từ châu Phi sang châu Mỹ…, tìm hiểu bản chất chủ nghĩa thực dân, kể cả thực dân cũ lẫn thực dân mới nhằm tìm cách để dân tộc thoát khỏi ách đô hộ, áp bức bóc lột và cảnh lầm than. Người tìm hiểu phong trào dân chúng ủng hộ các tầng lớp cần lao trên thế giới ra sao, cũng như có cơ hội tiếp xúc với những nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, tìm hiểu vận dụng học thuyết Mác-Lênin…

Một phần bản đồ với những đường nét mũi tên thể hiện những hành trình di chuyển của Bác Hồ ở khu vực châu Á

Một phần bản đồ với những đường nét mũi tên thể hiện những hành trình di chuyển của Bác Hồ ở khu vực châu Á

- Ông có thể chia sẻ một vài điểm đến quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Bác tái hiện trong bản đồ?

- Những quốc gia mà Bác đã có thời gian sống, làm việc, hoạt động nổi bật có thể nêu như: đầu tiên là nước Pháp, thứ nhì là nước Anh, thứ ba là Nga (Liên Xô trước đây), thứ tư là Trung Quốc, và thứ năm là Thái Lan. Đấy là những nước Bác Hồ có thời gian hoạt động miệt mài, tâm huyết nhất và đồng thời cũng vượt qua nhiều vất vả, gian nan, thậm chí gặp hoạn nạn nhất. Tất cả đều cho thấy ý chí bất khuất, tinh thần mãnh liệt và lòng yêu nước vô bờ bến của lãnh tụ kính yêu của chúng ta.

- Nhìn lại hành trình 30 năm bôn ba đi khắp thế giới của Bác, chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc hơn tấm gương và bài học vô giá mà Bác dành cho mọi thế hệ sau, thưa ông?

- Hành trình đi khắp thế giới của Bác từ thuở thanh niên không chỉ có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới bấy giờ mà còn cực kỳ hấp dẫn và mãi mãi là bài học quý báu đối với mọi thế hệ người Việt. Sức hút của hành trình đến từ một thanh niên 21 tuổi, có lòng ham muốn mãnh liệt tìm hiểu cuộc sống, thế giới mình đang sống, dấn thân phiêu lưu và tin tưởng bản thân sẽ vượt qua được mọi thử thách với tôn chỉ giản dị nhưng vĩ đại: “Xem thế giới họ làm như thế nào, rồi tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Dấu chân Bác trải qua trên những dặm đường từ nước này sang nước khác, hết lục địa này tới lục địa khác toát lên tinh thần yêu nước, tự chủ, bản lĩnh, sự dấn thân và có lòng tin vào bản thân mình. Đó đều là những phẩm chất mà thế hệ thanh niên Việt Nam luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác, kiên định lý tưởng hoài bão, thể hiện khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân; không ngừng tìm tòi, say mê nghiên cứu, học tập, khám phá, nâng cao tri thức…

Tác giả Trần Đức Tuấn (SN 1941) là nhà biên kịch nhiều phóng sự truyền hình, trong đó có 2 bộ phim “Hồ Chí Minh - Một hành trình” và “Hành trình theo chân Bác” rất nổi tiếng. Ông tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp La Habana (Cuba) năm 1971, làm cho Đài Tiếng nói Việt Nam, từng công tác tại Đài phát thanh Matxcơva (Nga), rồi về nước năm 1978 làm tại Đài truyền hình TP.HCM. NXB Trẻ cũng ấn hành tác phẩm ký “Hành trình theo chân Bác” của ông.

Trung Nghĩa

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ban-do-hanh-trinh-30-nam-tim-duong-cuu-nuoc-cua-bac-ho-hanh-trinh-vi-dai-vi-doc-lap-dan-toc-post469014.antd