Bản đồ nghệ thuật công cộng trong phát triển du lịch

Việc quy hoạch các tác phẩm nghệ thuật sao cho hợp lý và phù hợp với kiến trúc đô thị, phát huy vai trò kết nối không gian kiến trúc, tạo thành điểm đến thu hút khách du lịch đang bị bỏ ngỏ. Việc tạo ra bản đồ nghệ thuật công cộng để quy hoạch các tác phẩm sao cho phù hợp với kiến trúc đô thị sẽ nâng cao giá trị nghệ thuật, đẩy mạnh lĩnh vực du lịch điểm đến, khám phá nghệ thuật tại Việt Nam.

Bản đồ nghệ thuật công cộng trên thế giới

Theo thạc sĩ, nhà thiết kế Lưu Việt Thắng (Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp), bản đồ nghệ thuật công cộng là hệ thống các tác phẩm nghệ thuật độc lập được tạo ra hoặc dàn dựng trong khu vực công cộng, được quy hoạch có hệ thống, thể hiện thẩm mỹ rõ ràng về hình thức hoặc chủ đề.Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bản đồ nghệ thuật công cộng đã được thiết kế tại khắp các điểm đến nhằm giúp du khách thuận tiện khám phá các tác phẩm đường phố đặc sắc.

Một không gian bích họa

Một không gian bích họa

Penang (Malaysia) là một “Thủ đô nghệ thuật đường phố” được công nhận trên thế giới. Kể từ khi George Town(một quận của Penang) được Unesco công nhận Di sản thế giới vào năm 2008, nghệ thuật đường phố đã đóng góp rất nhiều vào việc quảng bá văn hóa và du lịch của thành phố này. Ở hầu hết mọi ngóc ngách trên các con đường của Penang, du khách sẽ tìm thấy những tác phẩm cả lớn lẫn nhỏ. Để giúp du khách thuận tiện khám phá mọi tác phẩm đường phố đặc sắc, nơi đây đã gắn một Bản đồ Nghệ thuật đường phố đầy đủ nhất.

Tại Sân bay quốc tế San Diego (Mỹ) đã phát hành một bản đồ nghệ thuật công cộng cho tuor du lịch quanh thành phố. Với tấm bản đồ này, du khách có thể tự lái xe quanh thành phố, khám phá và thưởng thức các tác phẩm điêu khắc, tranh tường và tác phẩm nghệ thuật thích hợp quy mô lớn. Họ thậm chí còn cung cấp nhạc nền để du khách nghe trong lúc lái xe với những bản nhạc đến từ các nhạc sĩ tài năng ở San Diego. Bản quy hoạch tổng thể về tác phẩm nghệ thuật công cộng ở San Diego chỉ ra rằng: Thành phố này đã dành 2% quỹ Dự án Vốn cải thiện để đầu tư cho nghệ thuật công cộng. Ngoài ra, thành phố đã nhờ thương hiệu “điểm đến của du lịch văn hóa” do các tác phẩm nghệ thuật công cộng mang lại để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đến với nước Úc, thành phố Paddington cũng đã xuất bản một bản đồ nghệ thuật công cộng dành riêng cho du khách yêu thích khám phá. Cầm tấm bản đồ trên tay, du khách có thể tận dụng thời gian để khám phá được nhiều những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ở thành phố tấp nập nhộn nhịp này. Những cây cầu, pho tượng bằng đồng, tượng bán thân và những bức tượng gấu tạo nên một loạt các tác phẩm nghệ thuật công cộng tuyệt đẹp của thành phố. Con đường nghệ thuật Paddington có tới 22 tác phẩm điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khác nhau nhằm tôn vinh những người đi tiên phong về di sản, y tế, khoa học, kỹ thuật hay tầng lớp hoàng gia, quý tộc. Con đường nghệ thuật công cộng này kể câu chuyện về quá khứ của Paddington và sự tái tạo hồi sinh của thành phố.

“Những tác phẩm nghệ thuật công cộng nổi tiếng có thể kể đến ở Hà Nội như con đường gốm sứ, làng Phúc Tân, xóm bích họa áo dài hay con đường bích họa Phùng Hưng. Ta có thể thấy rằng nghệ thuật công cộng ở Hà Nội chưa thực sự phát triển và đây là một mảng có thể khai thác rất nhiều trong tương lai. Vì thế, việc tạo ra bản đồ nghệ thuật công cộng ở Hà Nội hay những thành phố khác ở Việt Nam là một điều cần thiết”, ông Lưu Việt Thắng cho biết.

Cần đưa bản đồ vào quy hoạch đô thị

Theo thạc sĩ Lưu Việt Thắng, bản đồ du lịch sẽ giúp du khách xắp xếp lịch trình thuật tiện với đường đi nhất để có thể đi du lịch tiết kiệm thời gian và hiệu quả. Hơn nữa, nghệ thuật công cộng sẽ đa dạng hóa các điểm đến du lịch, tăng thêm sự lựa chọn, gợi mở mong muốn khám phá của du khách. Với sự phát triển của mạng xã hội, sức lan tỏa của các tác phẩm nghệ thuật công cộng sẽ ngày càng mạnh mẽ, nâng cao tiềm năng du lịch cho đô thị.

Bản đồ nghệ thuật công cộng sẽ hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp văn hóa. Ví dụ các công ty du lịch có thể dựa vào bản đồ nghệ thuật công cộng để tạo ra các tour du lịch văn hóa, tâm linh thuận tuyến đường, phù hợp nhất cho khách du lịch. Điều này sẽ thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ và có tính bền vững hơn.

Nhà thiết kế Nguyễn Việt Thắng cũng đưa ra một số giải pháp xây dựng bản đồ nghệ thuật công cộng, trong đó có việc lấy lại không gian công cộng, đưa bản đồ nghệ thuật công cộng vào quy hoạch đô thị: “Nghệ thuật công cộng là nghệ thuật tồn tại trong không gian công cộng. Việt Nam muốn phát triển bản đồ nghệ thuật công cộng, trước hết, phải quy hoạch lại được các tác phẩm nghệ thuật công cộng sao cho hợp lý, phù hợp với ý nghĩa của tác phẩm. Muốn làm được điều đó, cần lấy lại những không gian công cộng đang bị sử dụng không đúng mục đích. Giống như nhiều thành phố, xu hướng tư nhân hóa không gian công cộng đang phổ biến ở khu vực nội thành cũ của Việt Nam. Lấy ví dụ như ở Hà Nội, những khoảng sân chung rộng rãi của các khu tập thể trước đây như khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công… dần biến mất để nhường chỗ cho các hàng quán tư nhân, chợ cóc hay các công trình thương mại chen vào. Công viên Hòa Bình vừa xây dựng xong với số vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng đã nhanh chóng xuống cấp, trở thành nơi diễn ra các tệ nạn xã hội. Nền kinh tế thị trường đã khiến người dân muốn đến công viên – không gian công cộng của thành phố - phải mua vé. Ở các khu đô thị mới, nhiều chủ đầu tư, do chạy theo lợi nhuận, bất chấp quy hoạch được duyệt đã tăng mật độ xây dựng tối đa, song hành với việc giảm đến mức thấp nhất đất dành cho sân chơi và trồng cây xanh, thảm cỏ.

Không gian công cộng hiện nay dường như chỉ là những không gian còn sót lại ở những nơi mà người ta không thể xây cất, lấn chiếm; hoặc không kinh doanh được. Hơn thế nữa, rác thải bừa bãi đã làm cho tình trạng của các mảng không gian còn sót lại ở nơi phố phường trở nên tệ hại. Người ta đến với tác phẩm nghệ thuật, dù chỉ là những quan sát bình thường nhưng cũng đòi hỏi một không gian để nhìn ngắm. Cần phải quy hoạch lại đô thị, xắp xếp nghệ thuật công cộng theo một hệ thống có logic, thuận tiện, phù hợp, từ đó bản đồ nghệ thuật công cộng mới phát huy tác dụng đưa du khách đến tham quan du lịch”.

Nghệ thuật công cộng luôn là vấn đề lớn ở khắp các đô thị trên thế giới. Bằng việc học hỏi từ những thành công của các thành phố trên thế giới trong việc ứng dụng bản đồ nghệ thuật công cộng, áp dụng vào hiện trạng của du lịch, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ có một bước tiến mới, phát triển mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà./.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ban-do-nghe-thuat-cong-cong-trong-phat-trien-du-lich-116188.html