Bản đồ ở đây, sổ địa chính đi đâu?

Bản đồ và sổ địa chính phải được UBND cấp phường, xã và cơ quan tài nguyên và môi trường lưu giữ chớ đâu Tư Điện Bàn.- Về nguyên tắc là vậy, còn thực tế thì chưa chắc đâu Bề Tui.

Một góc khu dân cư Giang Tắc, phường Điện Ngọc.

Một góc khu dân cư Giang Tắc, phường Điện Ngọc.

- Sao lạ vậy, chuyện ở đâu vậy Tư?

- Năm 1984, hơn 600 hộ dân tại 4 khối phố Hà Dừa, Giang Tắc, Viêm Minh, Viêm Đông, xã Điện Ngọc (nay là phường Điện Ngọc, TX Điện Bàn, Quảng Nam) được các cơ quan chức năng tiến hành đo vẽ bản đồ, lập sổ địa chính đối với diện tích đất đang sử dụng theo Chỉ thị số 299, ngày 10-11-1980 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Mãi đến năm 1998, 600 hộ dân tại 4 khối phố trên mới được cấp sổ đỏ khi ngành tài nguyên và môi trường thực hiện việc đo, vẽ lại theo quy định tại Nghị định 64 của Chính phủ.

- Được cấp sổ đỏ là vui rồi. Còn thắc mắc chi nữa?

- Chỉ vui ban đầu, khúc sau là… buồn rười rượi. Bởi, khi người dân có nhu cầu làm thủ tục tách thửa cho con, chuyển nhượng cho người khác làm nhà đều phải nộp 100% phí chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

- Lạ vậy. Đất người dân sử dụng có nguồn gốc rõ ràng, có bản đồ cùng sổ địa chính được lập theo Chỉ thị 299 thì được hưởng các quy định ưu đãi theo quy định tại khoản 2, điều 103 Luật Đất đai 2013. Cụ thể, đối với trường hợp thửa đất chưa xác định diện tích đất ở được hình thành trước ngày 18-12-1980 nhưng có tên trong Sổ địa chính được lập trước ngày 15-10-1993… thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 5 lần hạn mức giao đất. Như vậy, tại Quảng Nam có hạn mức đất ở là 200m2/hộ gia đình thì trường hợp này có hạn mức đất ở là không quá 1.000m2.

- Vì “oan ức” nên người dân đi tìm hiểu và đã phát hiện tờ bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập năm 1984 vẫn được các cơ quan chức năng lưu giữ, riêng sổ địa chính đi đâu chẳng ai biết.

- Vậy người dân đã phản ánh với các cấp chưa?

- Ông Trần Văn Thư- Trưởng ban Dân chính khối phố Giang Tắc cho hay, nhiều năm qua, mỗi buổi tiếp xúc cử tri, người dân có ý kiến về sự việc song đều nhận câu trả lời: đang xem xét! Cũng vì quá bức xúc, người dân 4 khu phố đang cân nhắc đến việc khiếu kiện.

- Bề Tui thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có câu trả lời để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, cũng như tránh việc người dân bất đắc dĩ phải “đáo tụng đình”.

BỀ TUI

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ban-do-o-day-so-dia-chinh-di-dau-post309145.html