Bạn đọc Bạn đọc Dùng kích điện đánh bắt thủy sản vẫn tái diễn
TTH - Việc dùng kích điện để đánh bắt cá, tôm trên sông, ao, hồ không những tận diệt các loại thủy sản mà còn là mối nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của con người.
Chủ quan
Mới đây, trên địa bàn xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền đã có 1 người tử vong khi dùng điện để đánh bắt cá. Do chỉ đi một mình, vụ việc xảy ra vào buổi trưa, trên cánh đồng vắng nên phải rất lâu nạn nhân mới được người dân phát hiện.
Trước đó, cũng tại địa phương này, sau khi đi làm phụ hồ về, thấy ao nước trước nhà có cá, anh P.T vội vàng đem “đồ nghề” ra để kích cá, chỉ với cuộn dây điện dài hơn 20m đấu nối với một chiếc vợt. Trong quá trình kích cá, đã có sự cố rò điện xảy ra, khi sợi dây điện được sử dụng nhiều lần, lại ma sát với đá sỏi đã bong tróc lớp nhựa cách điện, may mắn là đã có người phát hiện nên ngắt điện kịp thời.
Có nơi vào mùa mưa lũ khi cá tôm về số lượng lớn, nhiều người hiệp đồng với nhau, dùng bình ắc quy xếp hàng ngang lội nước hoặc dùng thuyền để càn quét trên cả cánh đồng rộng lớn. Có thể thấy, đa số người dùng cách này để đánh bắt cá đều mang tâm lý rất chủ quan, có người còn có thói quen, sau khi kích điện xuống nước, nếu vẫn chưa vớt được cá thì sẽ dùng tay để mò bắt, đã có trường hợp bị giật điện khi quên ngắt nguồn điện.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện video clip một nam thanh niên dùng kích điện đặt trên thuyền để giật chết rất nhiều cá chép khi đến mùa sinh sản. Người này cho biết, bằng cách này có ngày đã đánh bắt được hàng tạ cá, đem tiêu thụ cho các nhà hàng, gây bức xúc trong xã hội, nhiều ý kiến lên án đây là hành vi tận diệt thủy sản, nhất là trong mùa sinh sản của cá. Thậm chí trên youtube hiện nay tràn lan các video clip khoe “chiến tích” đi kích điện bắt cá, hướng dẫn kích điện để được nhiều cá tôm hoặc rao bán các dụng cụ, bộ kích điện,… thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Ông Phạm L. một người có thâm niên dùng kích điện để đánh bắt cá trên sông Bồ ngót 20 năm thú nhận, bằng cách này thì không một con cá, tôm nào có thể sống sót sau khi bị điện giật, thế nhưng đa số người kích cá chỉ lựa chọn con to để bắt cho nên nhiều loài cá nhỏ và loài hến, trai sống dưới bùn phải chết, nổi lên mặt nước, gây mùi hôi. Ông L. hiện nay đã bỏ nghề rà cá vì sức khỏe ngày càng yếu. "Mỗi khi nghĩ đến những lần bị điện giật mà không chết là cảm thấy lạnh cả sống lưng", ông L. tâm sự.
Chế tài xử lý nghiêm, nhưng khó triệt để
Hiện nay, do cơ quan chức năng tập trung xử lý các trường hợp sử dụng nguồn điện đánh bắt thủy sản nên số lượng người hành nghề kích điện trên địa bàn giảm, không còn công khai, rầm rộ như trước; nhờ đó nguồn thủy sản đã dần được phục hồi.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đã được hoàn thiện với các chế tài xử lý phù hợp như: Luật Thủy sản năm 2017 quy định nghiêm cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”.
Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tại Điều 28 về “vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản” quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Thậm chí tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức tiền phạt từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, để đối phó và tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng chuyển sang hoạt đông vào ban đêm, khi bị phát hiện thì không hợp tác thậm chí là chống đối, sử dụng bộ kích điện để chống người thi hành công vụ. Có trường hợp, chấp nhận bị tịch thu “đồ nghề” hoặc cố ý hủy hoại chứng cứ, nhưng vì do hiện nay giá thành của bộ kích điện trên thị trường rất rẻ, các bộ phận khác dễ chế tạo nên chỉ một thời gian ngắn sau lại có thể tái phạm.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, không tận diệt các loài thủy sản bằng các biện pháp đánh bắt như kích điện, tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời kiên quyết xử ký nghiêm các hành vi cố tình vi phạm, không chấp hành các quy định của pháp luật.