Bạn đọc Bạn đọc Khó quản lý nghĩa trang tự phát
Dẫu một số địa phương đã có chủ trương quy hoạch riêng biệt vùng chôn cất, mai táng nhưng nghĩa trang tự phát vẫn còn phổ biến, thực trạng người chết 'nằm' cạnh người sống hiện diện ở nhiều khu dân cư.
Dành đất cho người chết
Những năm gần đây, việc xây dựng lăng mộ tùy tiện, bề thế diễn ra ở nhiều nơi.
Tại một số địa phương vùng biển như Phong Hải (huyện Phong Điền), An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang), Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền)… những ngôi lăng, mộ tiền tỷ như trở thành “thương hiệu”. Nghĩa địa dành cho người đã khuất có kiến trúc hiện đại, độc đáo. Không chỉ lăng, mộ bề thế mà có cả những khu đất được người dân lấn chiếm để xây dựng khu nghĩa trang riêng của gia đình.
Anh Nguyễn Thành A. (xã Phong Hải) bảo rằng, việc xây dựng lăng mộ hoành tráng ở địa phương này diễn ra từ lâu và cũng nổi tiếng khắp nơi, lăng có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng là chuyện bình thường. “Quan niệm của người địa phương là họ rất coi trọng mồ mả tổ tiên, nên người dân thường “nhắm” những vị trí đẹp để… đặt trước”, anh A. nói.
Điều đáng nói, tại nơi mà người dân cho là nghĩa trang này, cạnh nhiều lăng mộ còn lại một số khu đất trống, chính quyền địa phương quy hoạch thành những vùng đất thổ cư. Việc lăng mộ lấn đất thổ cư, nằm ngay cạnh những ngôi nhà lọt thỏm vừa mới xây dựng là điều không khó nhận thấy.
“Tui sống cạnh khu lăng mộ từ lâu lắm rồi. Ban đầu cũng sợ nhưng sống lâu cũng thành quen. Ở đây họ đua nhau xây lăng đẹp và cũng là hàng xóm, người cùng quê hương ngại đụng chạm, đặc biệt đụng chạm tới những người đã khuất”, bà T.T.N. (xã Phong Hải) cho hay.
Thực trạng hiện nay tại nhiều địa phương, ngoài những khu nghĩa địa tập trung còn nhiều diện tích chôn cất phân tán. Nhiều nghĩa địa quá tải, chính quyền phải cắm biển đóng cửa. Tình trạng dành đất cho người chết tại các vùng nông thôn diễn ra nhiều nơi.
Ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) thừa nhận, tại địa phương này cách đây vài năm diễn ra tình trạng người dân lấn đất để xây dựng nghĩa trang gia đình.
“Với những trường hợp người dân chiếm lô, khoanh vùng, xây dựng bờ rào bao quanh thì chúng tôi đã vận động tháo dỡ. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân giành đất bằng cách đặt bờ lô, xây dựng mộ gió, mộ giả. Việc này về mặt quản lý rất khó khăn vì đụng đến vấn đề tâm linh và khó xác định thật hay giả”, ông Đính nói.
Khó di dời
Theo quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang toàn tỉnh định hướng đến năm 2020 thì nghĩa trang sẽ không bố trí trong nội thị, không bố trí gần nguồn nước, cách công trình khai thác nước trên 2,5 km, cách đường giao thông chính trên 300m. Khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư gần nhất là 1,5km. Đồng thời, di dời các khu nghĩa địa nhỏ lẻ xen lẫn trong đất canh tác, khu dân cư vào các nghĩa địa đã được khoanh vùng và nghĩa trang theo quy hoạch.
UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định về định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Chiếu theo những quy định của các cơ quan chức năng thì nhiều nơi trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được yêu cầu. Những khu nghĩa địa phân tán, lấn đất thổ cư, đất nông nghiệp, lâm nghiệp cần được di dời. Thế nhưng, để làm được điều này không dễ.
Trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương, được biết, đây là vấn đề tâm linh mà người Việt rất coi trọng nên khó khăn trong việc quản lý, vận động.
Ông Ngô Quang Thảo, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân (TX. Hương Trà) cho biết, hiện diện tích đất nghĩa địa của địa phương này hơn 50ha, một số khu nghĩa địa đã đóng cửa nhưng vẫn còn những khu cũ vẫn diễn ra tình trạng chôn cất.
“Việc quản lý đất nghĩa địa hiện khá khó khăn. Quy hoạch khu nghĩa trang tập trung thì cũng đã có chủ trương nhưng kinh phí là bài toán nan giải. Về nguyên tắc những khu nghĩa địa đóng cửa thì tương lai sẽ phải di dời nhưng người dân còn nặng yếu tố tâm linh và nguồn lực địa phương có hạn”, ông Thảo chia sẻ.
Liên quan về việc lăng, mộ đang nằm “ké” trên những khu đất thuộc mục đích khác, ông Nguyễn Đính nói: “Theo lộ trình, đối với những khu nghĩa địa cũ nếu vướng vào các vùng quy hoạch thì sẽ di dời, nhưng thực hiện dự án đến đâu mới di dời đến đó. Còn nghĩa địa đã đóng cửa thì khó di dời. Tại địa phương, chưa có nguồn lực để xây dựng nghĩa trang, chỉ mới quy hoạch vùng đất để chôn cất”.
Xây dựng, quản lý nghĩa trang ở nhiều địa phương hiện tồn tại nhiều hệ lụy về lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường. Do vậy cần có các nghĩa trang đáp ứng yêu cầu.
Ông Phan Lê Minh Huy, Giám đốc dự án Công viên nghĩa trang Hương An Viên cho biết: “Thời điểm này đã có hai dự án công viên nghĩa trang nhận được vốn đầu tư. Hai dự án này chủ trương đảm bảo việc xây dựng mộ phần theo quy chuẩn Nhà nước, kiến tạo thêm về không gian sinh thái, giữ được tập tục truyền thống của người dân địa phương. Đồng thời, chủ đầu tư của mỗi dự án sẽ truyền tải thêm thông điệp tốt đẹp nhằm thay đổi những giá trị xưa cũ cho người dân nơi đây. Ví dụ thay vì con cái lo một ngôi mộ phần to lớn cho bố mẹ thì họ có thể giảm chi phí xây dựng để làm một phần mộ nhỏ hơn nhưng dịch vụ chăm sóc lại trọn đời, cũng là cách thể hiện chữ hiếu, nhưng cách làm mới này sẽ không còn phô trương mà lại mang giá trị to lớn cho người đã khuất”.
Bài, ảnh: L.THỌ
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/kho-quan-ly-nghia-trang-tu-phat-a77334.html