Bạn đọc Bạn đọc viết Vài kiến nghị để nước lũ thoát nhanh hơn
TTH - Lũ lụt bao giờ cũng luôn tồn tại hai mặt, có lợi và có hại. Làm gì để chế ngự dòng nước dữ, khiến nó đem lại lợi ích dân sinh luôn là khát khao, nhất là của người dân vùng thấp trũng.
Đường ngập lụt gây khó khăn trong đi lại của người dân. Ảnh: MC
Hạ tầng thoát lũ chưa hoàn chỉnh
Chuyện xảy ra vào trận lũ lịch sử năm 1999 với một cô giáo trẻ trong khu tập thể giáo viên ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền. Nước lũ đến bất ngờ và dâng lên quá nhanh. Cô phải gắng sức thoát lên mái nhà, ngồi dầm mình trong mưa lũ gần hai ngày đêm để chờ lực lượng ứng cứu vẫn luôn ám ảnh tôi. Đó là hệ lụy của quá trình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, với một địa hình tự nhiên vừa ngắn và dốc, người dân ở Thừa Thiên Huế hàng năm phải gánh chịu rất nhiều hậu quả do mưa lũ gây ra.
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, chỉ tính riêng đợt mưa lũ trong tháng 10/2020 đã làm ít nhất 31 người chết (trong đó có 13 người trong đoàn công tác khi đi cứu hộ tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67). Mưa lũ làm rất nhiều ngôi nhà sập và hư hỏng, gần 85.000 nhà dân ngập sâu, nước lũ trên sông Bồ vượt mức đỉnh lũ năm 1999. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị nhấn chìm… Tổng thiệt hại khoảng 1.126 tỷ đồng. Điều muốn nói là do nước lũ đổ về vùng hạ du quá nhanh, khối lượng nước khổng lồ, trong khi đó các điều kiện hạ tầng để thoát lũ chưa được hoàn chỉnh, cộng thêm triều cường dâng cao nên nhiều vùng dân cư ở khu vực hạ lưu bị nhấn chìm trong biển nước và ngập sâu trong thời gian dài. Tính mạng, tài sản và đời sống dân sinh bị đe dọa nghiêm trọng. Người dân vẫn nói một cách chua chát: “Một năm mười trận mưa, bão mà quê tôi chỉ một lần ngâm lụt”, vì nước đợt này chưa thoát thì đã đến trận khác, đôi khi kéo dài hàng tháng trời nước vẫn chưa rút hết.
Đập Thảo Long là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á hiện đang xuống cấp một vài hạng mục. Ảnh: TL
Theo báo cáo chuyên ngành, trong 10 năm qua toàn tỉnh đã ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa cho 1.200 công trình hạ tầng thủy lợi lớn nhỏ, ứng phó với biến đổi khí hậu với khoảng 7.200 tỷ đồng. Tuy vậy, nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết. Đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long hiện nay hệ thống cửa tự động đóng mở bị xuống cấp, ăn mòn cần thay mới, lòng dẫn qua đập bị bồi lấp, thiếu kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình. Còn nhiều dự án chưa được bố trí vốn đầu tư để đảm bảo cho vấn đề tiêu úng, thoát lũ. Các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã xây dựng phương án vận hành phù hợp, linh hoạt, góp phần giảm lũ cho hạ du. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai mưa lũ thì việc vận hành hồ chứa trong mùa mưa vẫn còn khá nhiều khó khăn, nước lũ đổ về hạ du vẫn “ngâm” lâu ngày dẫn đến thiệt hại rất lớn về người và tài sản, gây nhiều hệ lụy đến cuộc sống của người dân.
Để trăm sông nhanh chóng đổ về đầm phá và biển cả
Có rất nhiều nguyên do làm cho nước lũ thoát chậm như: lũ về lúc triều cường luôn ở mức cao, hoặc trong khoảng thời gian ngắn lũ chồng lũ, bão lũ xảy ra liên tiếp làm cho dòng chảy không kịp rút ra đầm phá và biển. Việc quy hoạch và xây dựng các khu đô thị, dân cư, giao thông, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản còn thiếu đồng bộ, gây cản trở trong việc thoát lũ. Để giải bài toán thoát lũ hiệu quả, xin nêu một số việc cần tiếp tục quan tâm giải quyết.
Trước hết, trong quy hoạch phát triển các khu dân cư tập trung, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh ở vùng hạ lưu các con sông cần lưu ý tính toán các yêu cầu thoát lũ. Các khu dân cư vùng Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành thuộc huyện Quảng Điền mới phát triển sau này là một ví dụ điển hình cho chuyện tắc nghẽn về mùa mưa lũ bây giờ. Đường dẫn vào cầu Ca Cút (cầu Tam Giang) cho ta bài học trong việc xây dựng và phát triển các công trình thủy lợi và giao thông ở các huyện dọc đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Cần tiếp tục cân nhắc yêu cầu thoát lũ, không cản trở dòng chảy mùa mưa lũ ngay từ khâu khảo sát thiết kế công trình xây dựng. Bên cạnh việc xây dựng các dự án nhằm nạo vét dòng chảy các kênh, hói, các nhánh sông cần nghiên cứu mở rộng các cửa thoát lũ, giúp cho dòng chảy thông thoáng, nước rút nhanh hơn.
Chương trình nâng cấp đê biển theo Quyết định 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay chỉ mới đầu tư được 74,86km/181km và 88/174 cống ngăn mặn giữ ngọt trên đê, đạt 41,4% trên tổng chiều dài toàn tuyến đê. Tuy nhiên, các tuyến đê còn lại với chiều dài 107km và 86 cống trên đê đã bị xuống cấp cần đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Cần đề xuất phương án tăng số lượng và mở rộng khẩu độ các cống để nước rút nhanh hơn.
Nên hay không việc nắn chỉnh dòng chảy một số nhánh sông, hói, kênh ở những đoạn khúc khuỷu làm giảm vận tốc dòng nước cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và cần đến câu trả lời của các nhà khoa học, nhà chuyên môn. Tuy nhiên, việc nắn chỉnh dòng chạy cục bộ ở một số đoạn nhánh sông, hói, kênh quanh co, chảy lòng vòng cũng là điều cần suy nghĩ. Đơn cử một đoạn hói từ cầu Ngã Tư đến cầu Đông Hồ thuộc địa bàn hai xã Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền) dài khoảng 3km có rất nhiều khúc quanh co. Nếu việc nắn chỉnh dòng chảy được thực hiện sẽ rút ngắn khoảng cách, khơi thông dòng chảy, tiết kiệm diện tích đất, góp phần chỉnh trang quy hoạch lại đồng ruộng và khu dân cư.
Toàn tỉnh hiện có 10/13 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành, công suất lắp máy khoảng 500MW, tạo ra 1.300-1.500 triệu KWh điện/năm, đóng góp khoảng 400 tỷ đồng vào ngân sách hàng năm. Tuy vậy, bài toán quản lý và vận hành liên hồ chứa cũng đặt các cơ quan chức năng đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư với lợi ích dân sinh. Nhưng trên hết, được đặt lên hàng đầu vẫn là tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du.
Lũ lụt cũng luôn tồn tại hai mặt, mặt có lợi là bồi đắp phù sa, chất dinh dưỡng cho đất; giúp thau chua rửa mặn, diệt chuột bảo vệ mùa màng cho ruộng đồng tốt tươi; cung cấp nguồn dưỡng chất cho các loài thủy hải sản tái tạo, phát triển; cân bằng môi trường vùng đồng bằng giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn được hồi sinh… Tuy nhiên, “thủy, hỏa, đạo tặc” sẽ trở nên hung dữ, hủy diệt con người khi nó chưa được chế ngự để đem lại lợi ích dân sinh.