Bạn đọc Cần đảm bảo tính phù hợp với không gian di sản

TTH - Nếu ai đã đi ngang qua đường Lê Huân, TP. Huế sẽ bắt gặp những gian hàng di động sau khi phục vụ phố đêm Hoàng thành vào mỗi dịp cuối tuần ở dọc tuyến đường này. Đó là hình ảnh rất khó chịu, không hợp lý chút nào khi ngay bên cạnh là Đại Nội, là không gian di sản.

Các quầy bán hàng để ngổn ngang ở khu vực công viên bên cạnh Đại Nội

Các quầy bán hàng để ngổn ngang ở khu vực công viên bên cạnh Đại Nội

Nếu như các gian hàng di động đó được làm bằng gỗ, bằng tre, hay có một thiết kế nào đó mang nét truyền thống thì có thể nhìn thấy phù hợp với một ví trị “đắc địa” như thế. Trong khi đó, các gian hàng này được làm bằng sắt, thiết kế đơn giản, xung quanh được bọc bằng loại bạt dùng để in quảng cáo.

Hình ảnh có tính “xung đột” cao như thế đã tạo ra một cảm giác thiếu thiện cảm đối với du khách khi đến Huế. Ngồi uống cà phê ở một hàng quán trên đường Lê Huân, một du khách nói giọng miền Bắc ngồi gần đó thắc mắc, buổi sáng ngồi tuyến đường này đẹp như thế, ngắm nhìn đường phố, không gian di sản thật yên bình. Không biết vì sao những gian hàng lại để ngổn ngang, không hợp lý như thế. Điều này đã làm mất đi vẻ đẹp của không gian đậm nét di sản.

Không chỉ du khách đến Huế có cảm nhận đó, mà chính người dân cũng phản ánh đến các cơ quan chức năng rằng, một tuần có hai buổi tối đi bộ thật lung linh, huyền ảo, nhưng suốt cả tuần thì các quầy bán hàng lại ngổn ngang, thật không mỹ quan chút nào.

Theo Phòng Kinh tế, TP. Huế, hiện có gần 30 quầy bán hàng có thiết kế cao khoảng 2,2m, rộng 1,2m và dài 1,5m được sử dụng. Các gian hàng này được các doanh nghiệp, người dân sử dụng bán các mặt hàng như quà lưu niệm, ẩm thực… khi phố đêm Hoàng thành hoạt động vào tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.

Ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế, TP. Huế cho biết, thành phố nhận thấy những gian hàng để vị trí tại khu vực công viên bên Đại Nội như thế là không phù hợp. Phòng Kinh tế đã yêu các cơ sở có gian hàng trưng bày tại phố đêm trực tiếp làm việc với Ban quản lý phố đêm Hoàng thành để tìm ra phương án để giải quyết tình trạng trên. Các cơ sở kinh doanh thống nhất với Ban quản lý sẽ giao cho dân quân tự vệ phường Thuận Hòa phối hợp cùng các cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ di chuyển đến vị trí tập kết tại tuyến đường cắt với Lê Huân, đối diện với Tây Khuyết Đài, sau thời gian kết thúc hoạt động tại phố đêm. Các gian hàng được đảm bảo sắp xếp gọn gàng, tránh tình trạng lộn xộn.

“Dù thế, đã có tình trạng sao nhãng của các bên liên quan trong việc di chuyển các gian hàng này đến nơi quy định. Chúng tôi sẽ yêu phía phường Thuận Hòa khắc phục tình trạng này. Về lâu dài, thành phố cũng đã có những tính toán, nghiên cứu mẫu gian hàng mới phù hợp hơn với không gian và công năng sử dụng. Phố đêm đi vào hoạt động không lâu, hiện các doanh nghiệp đang kinh doanh còn khó khăn. Trong khi đó kinh phí đầu tư ban đầu mỗi gian hàng là trên 15 triệu đồng nên thành phố cũng đang tính toán thời gian thu hồi vốn cho doanh nghiệp, sau đó sẽ phối hợp để thiết kế lại gian hàng mới”, ông Toàn cho biết.

TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, nếu ở khu phố đêm Hoàng thành có những ngôi nhà rường thay thế cho các gian hàng bằng sắt kẽm thì phù hợp nhất. Nếu đầu tư nhà rường tốn nhiều kinh phí thì có thể dùng vật liệu sắt kẽm để thay thế, nhưng thiết kế và sơn màu như những ngôi nhà rường bằng gỗ. Những gian hàng này nên cố định tại một điểm ở vị trí phù hợp.

Phố đêm Hoàng thành được ra đời nhằm tạo điểm nhấn mới cho du lịch TP. Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. Điểm đặc trưng của tuyến phố này thiên về các hoạt động văn hóa truyền thống, gắn với di sản. Vì thế, tất cả cần được tập trung để thể hiện tính đặc trưng văn hóa, truyền thống đó, kể cả những gian hàng để phục vụ kinh doanh.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/can-dam-bao-tinh-phu-hop-voi-khong-gian-di-san-a122680.html