Bạn đọc đề nghị xử lý nghiêm hành vi để trẻ em thò đầu ra cửa sổ trời, ngồi trên nóc xe ô tô
Bạn đọc lên án gay gắt tài xế ô tô có hành vi để trẻ thò đầu khỏi cửa sổ trời, ngồi trên nóc xe và kiến nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp tương tự.
Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: Bức xúc vì để trẻ em ngồi trên nóc xe ô tô như 'đùa giỡn với tử thần' về nội dung một tài xế để hai đứa trẻ thò người ra cửa sổ trời, ngồi lên nóc xe khi chiếc xe đang chạy trên quốc lộ 1, đoạn thuộc phường Long Bình, tỉnh Đồng Nai.
Bình luận về bài viết, bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước hành vi vô ý thức, mang tính mạng trẻ con ra đùa giỡn của người tài xế. Đồng thời, một số bạn đọc cho rằng cần nâng mức xử phạt đối với hành vi nguy hiểm này.
Sử dụng cửa sổ trời vô tội vạ
Bạn đọc Thuận Nghĩa bức xúc: “Không hiểu họ nghĩ gì mà để hai đứa trẻ thò nửa người ra khỏi cửa sổ trời, bé trai còn ngồi hẳn lên nóc xe thế kia. Cần phải xử phạt mạnh tay đối với hành vi nguy hiểm này”.
“Cửa sổ trời ô tô chủ yếu giúp thông gió, điều hòa nhiệt độ trong xe, là lối thoát hiểm khi xảy ra tai nạn chứ có phải để cho trẻ em ló người ra như vậy đâu. Nhiều người có khả năng mua xe nhưng lại không tìm hiểu kỹ công dụng của cửa sổ trời, rồi dùng lung tung, vô tội vạ” – bạn đọc Mỹ Như viết.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Ân bày tỏ: “Phụ huynh thường có tâm lý nuông chiều con, chỉ cần con đòi là mở cửa sổ trời cho con chui ra hóng gió, ngắm cảnh dù xe đang chạy ở vận tốc cao. Lúc đó, họ thấy chuyện như vậy là bình thường, nhưng đến lúc xảy ra tai nạn rồi mới ân hận, chỉ còn biết ước ‘giá như’, ‘nếu mà’”.
Tương tự, bạn đọc Hoàng Luân bình luận: “Ngồi ở trong xe, thắt dây an toàn rồi vẫn có khả năng gặp chấn thương khi xảy ra va chạm chứ đừng nói là thò cả nửa người ra như vậy. Cứ cho tài xế vi phạm thử cảm giác ló người ra cửa sổ trời trong khi xe đang chạy băng băng trên đường xem có thấy nguy hiểm không. Thật ngán ngẩm với ý thức của một số người”.
Mức xử phạt còn quá nhẹ
Bạn đọc An Lê góp ý: “Cần nâng mức xử phạt đối với hành vi này, thậm chí là tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Mức phạt nhẹ quá sao đủ răn đe những người vô ý thức như vậy”.
“Tôi đề xuất nên khuyến khích người dân nếu bắt gặp trường hợp tương tự thì lấy điện thoại ra quay lại làm bằng chứng rồi tố giác với lực lượng chức năng. Ngoài ra, cũng cần tăng cường kiểm tra, phạt nguội những tài xế vi phạm” – bạn đọc Ngân Khánh viết.
Tương tự, bạn đọc Tô Ngọc Tấn cho rằng: “Vì có nhiều người không biết đến công năng của cửa sổ trời nên mới sử dụng cẩu thả. Theo tôi, khi khách có nhu cầu mua ô tô có cửa sổ trời thì bên đại lý phải phổ cập kiến thức cho họ, giúp họ hiểu công dụng của cửa sổ trời là gì để tránh rủi ro có thể xảy ra”.
Để trẻ thò người khỏi cửa sổ trời là hành vi vi phạm luật giao thông
Trẻ em thò đầu ra cửa nóc ô tô trên không chỉ là một hành vi nguy hiểm mà còn là vi phạm luật giao thông. Theo quy định hiện tại về giao thông đường bộ, vi phạm trong tình huống này có thể được xử lý dựa trên các quy định hiện có. Cụ thể:
Tại điểm q, khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vi phạm chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy bị phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Căn cứ điểm b, khoản 6, Điều 23 Nghị định 100/2019, người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người có hành vi vi phạm chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý của xe bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Ngoài ra, tại điểm a, khoản 8, Điều 23 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021), người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Tuy trẻ em thường hiếu động và chưa nhận thức được nguy hiểm của hành động của mình, nhưng phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ hiểu rằng không nên thò tay hay đầu ra ngoài cửa ôtô hoặc ngồi lên nóc xe. Đây là hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân và cả những người khác trên đường.
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM