Bạn đọc nói gì về việc các trường đại học được gọi tên gia nhập 'câu lạc bộ doanh thu ngàn tỉ'?
Bạn đọc cho rằng các trường đại học 'sống' chủ yếu từ nguồn thu học phí là trái với tình hình thực tế tại các nước phát triển về giáo dục đại học.
Mới đây, PLO.VN có bài: “Giải mã nguồn thu của những trường đại học 'ngàn tỷ' tại TP.HCM”, thông tin về việc nhiều trường đại học tại TP.HCM đã công bố đề án tuyển sinh chính quy năm 2024.
Trong đó, đáng chú ý là thông tin về tổng nguồn thu của trường lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng khoản thu từ học phí đã chiếm đến hơn 90%, thậm chí 98%. Sự việc này đã nhận về nhiều ý kiến của bạn đọc
Nguồn thu khủng của đại học Việt Nam khác thế giới ra sao?
“Tôi thấy nguồn thu của nhiều đại học trên thế giới phần lớn đến từ ngân sách nhà nước và các tổ chức giáo dục. Trong khi đó, tại Việt Nam, các trường ngày càng lệ thuộc “nguồn sống” vào học phí sinh viên. Việc các trường đại học phải tự chủ phần lớn kinh phí dẫn đến việc buộc phải tăng số lượng tuyển sinh, tăng học phí. Các trường muốn sống thì phải thu học phí cao lên dù biết có mâu thuẫn với mức sống của người dân" - bạn đọc Huy Thành bày tỏ.
Thật ra tôi thấy để các trường tăng học phí cũng được, miễn là họ đào tạo đội ngũ ra trường chuẩn chất lượng. Cùng với đó để Nhà nước giám sát đầu ra, nếu không đạt, trường đó tự bị đào thải.
Chứ quá ngán ngẩm cái cảnh các trường cứ “kêu trời” nhờ nhà nước hỗ trợ vì không dám tăng học phí.
Bạn đọc NGUYỄN KHOA
“Theo tôi, tổng nguồn thu cao từ các nguồn khác thì mới là điều đáng mừng, chứ dựa vào học phí của sinh viên thì càng đi ngược với phương pháp đào tạo và giảng dạy. Bởi điều này cho thấy, tại đa số trường đại học, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sáng chế… vẫn ở mức vô cùng khiêm tốn. Hằng năm các trường đều than khó, muốn tăng học phí, nhưng trước hết nên xem lại chất lượng đào tạo của trường có đáp ứng được cho sinh viên chưa đã?” - bạn đọc Ngọc Vy phân tích.
"Doanh thu càng cao thì đáng mừng cho các trường, thầy cô lương cao mới đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển. Nhưng học phí quá cao cũng chính là trở lực ngăn cản những sinh viên nghèo hiếu học tiếp cận tấm bằng đại học. Vẫn có gì đó chưa thực sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả học sinh” - bạn đọc Anh Tuấn chia sẻ.
"Mở rộng quy mô, tăng số lượng tuyển sinh, tăng nguồn thu từ học phí nhưng chất lượng đào tạo có tăng? Sinh viên tốt nghiệp có được đảm bảo việc làm? Đề nghị Bộ GD&ĐT cho thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn", bạn đọc Minh Kha đề nghị.
Cần tăng thu từ những khoản ngoài học phí
“Thiết nghĩ nên mở thêm nhiều viện nghiên cứu bởi giảng viên ở Việt Nam về cơ bản nghiên cứu rất ít; phần lớn là giảng dạy, giáo trình lặp đi lặp lại nên về lâu dài là nhàn. Nếu để giảng viên có nhiều thời gian nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo thì việc giáo dục sẽ hiệu quả hơn; đồng thời còn tạo ra được nguồn thu, tránh tạo thêm gánh nặng lên vấn đề học phí mỗi năm” - bạn đọc Phong Linh bày tỏ.
Trường nào thu từ nghiên cứu, chuyển giao các công trình khoa học ít, yếu thì phải tự xem xét lại mình. Nhà nước chủ trương cho các trường tụ chủ trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ 1 lĩnh vực học phí. Thế nhưng đến nay, nguồn thu vẫn chỉ từ học phí thì cần phải có đánh giá, tổng kết việc thực hiện chủ trương", bạn đọc Trần Bình nêu ý kiến.
“Tự chủ” thì đương nhiên các trường đại học phải tận thu học phí, vô hình chung làm giảm hoặc thậm chí lấy mất cơ hội của những sinh viên nghèo hiếu học, trong khi họ là đối tượng tiềm năng để phát triển kinh tế sau này cho Việt Nam mình. Các trường cần chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ, hợp tác đôi bên cùng có lợi để tạo nguồn thu. Đây mới gọi là đầu tư lâu dài bền vững" - bạn đọc Khánh Ngọc chia sẻ.
THÚY PHAN