Bạn đọc Trải nghiệm và chút suy nghĩ về dịch vụ đưa đón khách tại sân bay Phú Bài
TTH - Bên cạnh xe bus Hải Vân, hiện còn có 4 hãng taxi được quyền đón khách tại sân bay Phú Bài. Với thực tế trải nghiệm, chúng tôi có cảm giác hoạt động của dịch vụ đưa đón khách tại sân bay này vẫn tồn tại một số bất cập…
Từ Hà Nội trở về Huế, ra khỏi máy bay, tôi khởi động điện thoại và thử gọi grab cho nó thời thượng, và thử xem Huế mình có rộn ràng số hóa dich vụ vận tải như nhiều tỉnh, thành bạn hay không. Ô, thật bất ngờ. Cũng có tín hiệu, số tiền phải trả… Vậy thì bệnh gì mà không OK ngay cho nó khí thế. Cuộc đặt được báo thành công, hẹn chừng ấy, chừng ấy phút sẽ có xe đến đón…
Tôi và bạn đồng hành yên chí ngồi đợi. Sân bay Phú Bài nhỏ, xe tới alô cái là có thể ra ngay. Nhưng, đang ngồi đợi thì tài xế gọi, khẩn khoản đang sự cố chút, anh chờ thêm cho ít phút nữa. Ừ, thì chờ, không có việc gì gấp, lại nữa, thông cảm là việc nên làm. Ai mà chẳng có lúc gặp sự cố này sự cố khác. Nhưng, độ dăm phút sau lại cũng số bác tài, giọng có vẻ bất bình thường: “Anh… anh làm ơn đi ra làn ngoài.”; “Rồi, đang ở làn ngoài đây. Xe mình đâu không thấy?"; “Mà… xung quanh anh có nhân viên sân bay nào không vậy?”. Lạ nhỉ, sân bay thì có nhân viên sân bay là bình thường chứ. Nhưng hiện tại thì không, chỉ thấy có mấy người đàn ông cứ đón hết người này đến người khác để hỏi “taxi hả?” rồi chỉ tay bảo lên xe này, lên xe kia khiến hành khách cảm thấy rất thụ động, rất không thoải mái. Nhưng thôi, hỏi gì đáp ấy. Tôi trả lời: “không thấy nhân viên sân bay”. Nghe thế, đầu dây kia: “Anh thông cảm, do xe em sự cố không đến được, em đã nhờ bạn đón anh. Anh chịu khó đợi chút xíu thôi nhé. Mà có ai hỏi anh đừng bảo có grab đón nhé”. Sao lạ thế nhỉ, đón xe mà cứ thấy dấm dúi thế nào. Nhưng thôi, nghĩ làm gì mệt óc, lại không gấp, tôi và mấy bạn đồng hành nhất trí tiếp tục đợi. Bỗng từ đằng kia tiến lại một anh chàng: “Mấy anh chờ ai? Gọi xe đón hả?”. Tôi nhìn, và chợt chớ lời khẩn khoản lúc nãy của bác tài grab nên trả lời tỉnh rụi: “Cảm ơn, đang chờ xe nhà về đón”. Đâu chừng 5 phút, thấy anh chàng lúc nãy cứ lạng tới lạng lui, rồi bỗng rút máy gọi. Ô, anh ta… gọi tôi. Hóa ra, anh ấy là một tài xế taxi, và cũng là người được anh kia nhờ đón khách. Vậy mà tôi cứ ngỡ…
Lúc đã yên vị trên xe bon bon lên thành phố, hỏi chuyện thì mới biết cơn cớ. Thì ra - theo anh tài xế thông tin - sân bay cấm xe công nghệ vào đón khách. Muốn đón, xe phải đứng bên ngoài phạm vi sân bay. Hành khách muốn sử dụng xe công nghệ thì buộc phải chấp nhận “cuốc bộ chết bỏ”, ra ngoài xa kia mà lên xe, bất kể đêm hôm, mưa to hay nắng gắt. “Lẽ ra hành khách là thượng đế, dịch vụ nào tốt thì người ta chọn lựa. Thế mới là văn minh, là thị trường, là công bằng chứ. Làm thế này Huế mình cứ mãi mang tiếng lạc hậu” - anh tài xế lý lẽ nghe rất bài bản.
Được đà, chúng tôi đã “bắc cầu” tìm hiểu thêm về dịch vụ taxi đưa đón khách tại sân bay, nhất là sau vụ “lùng bùng” tiêu cực liên quan taxi đấu giá khiến cả bộ sậu quan chức nơi đây phải nhập khám đến nay vẫn còn chưa xét xử xong. Người lái xe như được dịp trải lòng: Vụ việc là do anh em lái xe các hãng quá bức xúc mà ra. Bọn em đã “góp vốn” để được quyền vào đón khách sân bay, nhưng rồi sau đó cứ đòi “tăng giá” vượt quá sức chịu đựng của cánh lái xe, nhất là lại thấy không rõ ràng minh bạch nữa nên anh em cho “toang” luôn. Sau khi tổ chức đấu giá lại, bây chừ thì còn 4 hãng. Mỗi lần mỗi hãng có 1 xe vào vị trí đón khách, mỗi hãng lại cử 1 người có trách nhiệm về túc trực tại sân bay để sắp xếp, điều phối xe của hãng mình. Lượt xe này đón xong thì mới đến xe kia được cho vào vị trí…
Bây giờ chúng tôi mới hiểu vì sao lại có những người đàn ông hỏi, rồi dẫn khách “bàn giao” cho tài xế taxi. Hóa ra về đó là nhằm đảm bảo sự công bằng, tránh tình trạng tranh giành khách giữa xe này với xe khác, tài này với tài kia, dễ dẫn đến cảnh lộn xộn, mất an ninh trật tự tại sân bay. Bản chất của động thái này theo chúng tôi là rất tốt. Tuy nhiên, về hình thức thì có lẽ cần suy nghĩ thêm chút nữa.
Chúng ta chắc ai cũng đã ít nhiều từng đi đó đi đây với nhiều loại phương tiện khác nhau. Và khi vừa rời nhà ga tàu lửa, cảng hàng không, bến xe… chợt nhiên “được” những người lạ “gọi, hỏi, mời chào, chỉ dẫn…” thì sẽ thế nào. Chắc hẳn cái cảm giác đầu tiên đó là sự nghi ngại xen lẫn chút bất an. Cái cảm giác đó cũng hiện diện trong chúng tôi khi xuống sân bay Phú Bài, cho dù mình là dân bản địa. Bởi vậy, các hãng xe kết hợp với lực lượng chức năng của sân bay nên thảo luận, trao đổi để có thể có cách quản lý phương tiện của từng hãng sao cho chặt chẽ, khoa học mà văn minh hơn được chăng? Thời đại 4.0 có lẽ không gì là không thể. Camera, “hộp đen”, thông tin qua tổng đài… là những giải pháp đều có thể phát huy.
Nhà ga hành khách T2 công suất 5 triệu hành khách/năm đang vào giai đoạn nước rút để đưa vào vận hành trong thời gian không lâu nữa. Khách du lịch và các nhà đầu tư cũng đã trở lại/tìm về với Huế ngày mỗi nhiều sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát. Dịch vụ đưa đón khách tại sân bay là một hoạt động quan trọng, rất cần được suy nghĩ, tổ chức một cách hiện đại, văn minh, tiện dụng và mang tính đón đầu. Đó cũng là thao tác tạo thiện cảm cho bè bạn khắp nơi khi đến với vùng đất sông Hương núi Ngự, cũng là một thành tố hợp thành để khẳng định cái “level” của một đô thị trực thuộc Trung ương trong nay mai.