Bán 'đống giẻ rách' 60 nghìn đồng, ngã ngửa khi biết giá trị thực 1.400 tỷ đồng
Ông lão ở Trung Quốc không thể nghĩ tới một ngày 'đống giẻ rách' nhặt được lại có giá khủng như vậy.
Trung Quốc có tới 5.000 năm lịch sử và trải qua rất nhiều triều đại. Suốt ngần ấy năm, nhiều di sản văn hóa tới nay vẫn được bảo tồn tốt. Tử Cấm Thành (nay là Cố Cung) ở Bắc Kinh chính là một trong số đó. Hiện nơi này trở thành điểm thăm quan du lịch nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước.
Tử Cấm Thành còn là bảo tàng lớn nhất của Trung Quốc với vô số bảo vật quý hiếm. Có người còn nói rằng, bất kỳ đồ vật nhỏ nào trong Cố Cung đều có giá trị và ý nghĩa lớn. Tuy cổ vật trong Tử Cấm Thành đều có thể mang lại món lợi lớn nhưng không phải ai cũng có thể phân biệt giá trị của chúng. Nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra chỉ vì sự thiếu hiểu biết đó. Vụ việc nhầm lẫn của lão Lưu dưới đây là dẫn chứng điển hình.
Câu chuyện xảy ra vào thời điểm Trung Quốc kết thúc sự thống trị của chế độ phong kiến. Khi đó, Tử Cấm Thành là một trong những nơi được chọn để tu sửa lại. Một ngày nọ, các công nhân tới Thục Phương Trai trong Tử Cấm Thành dọn dẹp. Không giống như trên các bộ phim, Thục Phương Trai thực tế là nơi nghỉ ngơi của vua Càn Long.
Đang dọn dẹp cẩn thận nơi này, người đàn ông họ Lý đột nhiên phát hiện chiếc hộp được giấu dưới gạch lát nền. Anh chàng cứ ngỡ tìm được một món bảo vật nào, không ngờ đó là tấm vải nên. Anh để nó sang một bên. Sau đó, những người khác quét đi và cho vào túi đựng rác.
Ở thời điểm đó, quanh Tử Cấm Thành xuất hiện nhiều người tới nhặt rác. Nguyên nhân, trước đó từng có người nhặt được bảo vật trong đống đồ bỏ đi từ Tử Cấm Thành nên nhiều người hy vọng thần may mắn sẽ mỉm cười với họ.
Lão Lưu có xuất thân nghèo khó, ông đã già yếu, có một người trai nghiện rượu, hay đập phá đồ đạc có giá trị trong nhà. Lão Lưu phải bươn chải lục lọi thùng rác ở Tử Cấm Thành. Hôm nay, nhìn mấy mảnh vải vụn, ông nhủ thầm cái cửa sổ ở nhà đã vỡ, không có tiền sửa, nếu đem những mảnh vải này về có thể che lại được.
Bẵng đi mấy năm, Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới việc khôi phục các di tích văn hóa đang lưu lạc trong dân gian. Người dân cả nước đổ xô đi tìm kho báu. Lão Lưu cũng nhớ tới mấy mảnh vải rách nhưng ông lại nghĩ chúng không có giá trị gì. Con trai ông cho rằng đống giẻ rách đó đã cũ, vẫn có thể bán được tiền nếu nói nó xuất xứ từ Tử Cấm Thành. Anh ta liền mang nó đến một cửa hàng đồ cổ để bán với giá 20 NDT (hơn 68.000 đồng). Anh ta rất vui vì thời đó, nhiều người làm một tháng cũng chỉ được 10 NDT.
Ông chủ tiệm đồ cổ thấy đống vải cũ không có gì đặc biệt nên cất chúng vào hộp. Qua nhiều năm, cái hộp rơi vào quên lãng. Cho tới một ngày, vị chuyên gia khảo cổ vô tình đến cửa hàng này để tìm kiếm thứ gì đó đáng sưu tầm. Sau một ngày lục tìm, vị chuyên gia tìm thấy những mảnh vải vụn nọ. Nào ngờ, vừa nhìn thấy chúng, mặt ông liền biến sắc hỏi chủ tiệm lấy những mảnh vải này ở đâu.
Chủ tiệm nói ông bỏ ra 20 NDT mua lại từ người khác chứ không rõ xuất xứ của chúng. Chuyên gia liền nói cho chủ tiệm biết, những mảnh vải này thực chất là những bức họa của Lữ La Gia. Ông là đệ tử của họa sĩ nổi tiếng thời nhà Đường Ngô Đạo Tử. Chúng có tổng cộng 6 bức tranh và là một phần của bộ tranh “Thập bát La Hán tượng” (18 vị La Hán). Bức tranh đã bị một vị thái giám đánh cắp và cất giấu bên dưới nền gạch cung điện.
Đáng tiếc rằng những bức còn lại trong bộ tranh bị thất lạc. Theo nhận định của chuyên gia, giá của những bức tranh này ít nhất là 400 triệu NDT (gần 1.400 tỷ đồng). Đây chính xác là bảo vật của quốc gia. Vị chuyên gia cũng khuyên ông chủ tiệm giao các bức tranh này cho Bảo tàng Cố Cung để được bảo quản tốt hơn. Hiện, 6 bức tranh này đều đang được trưng bày trong bảo tàng.