Bàn giải pháp đảm bảo ATGT đường bộ khu vực miền Trung-Tây Nguyên
Trước tình hình TNGT có chiều hướng tăng, lãnh đạo Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) đã làm việc với các Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên bàn giải pháp đảm bảo ATGT, giảm thiểu và phòng ngừa TNGT xảy ra trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến quốc lộ.
Từ đầu tháng 4 đến nay (ngày 6/4), Khu QLĐB III làm việc với các Sở GTVT, Ban ATGT các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông bàn các giải pháp để tăng cường ATGT trên các tuyến đường.
Cụ thể như, tại tỉnh Kon Tum, Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh này đề nghị rà soát lại các vị trí thường xuyên xảy ra TNGT trên đèo Lò Xo, đường Hồ Chí Minh, nhằm có biện pháp tăng cường đảm bảo ATGT.
Còn tỉnh Gia Lai đề nghị khảo sát xây dựng phương án điều tiết giao thông tại Km1606+800 đường Hồ Chí Minh (ngã ba La Sơn, thôn Hàm Rồng, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku); triển khai lắp đặt hệ thống đèn điều khiển giao thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh huyện Chư Sê và tại nút giao thông đường Hồ Chí Minh với đường 17/3 thành phố Pleiku (đường vào Cảng Hàng không Pleiku).
Trực tiếp đến hiện trường các điểm xảy ra TNGT gần đây, các điểm có nguy cơ mất ATGT, Khu QLĐB III và Sở GTVT, Ban ATGT các địa phương trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường đảm bảo ATGT như bổ sung cọc tiêu dẻo, tăng hiệu quả phân luồng tại nút giao; rà soát bổ sung, sửa chữa, khôi phục hiệu quả hệ thống cảnh báo, biển báo, gồ giảm tốc tại các nút giao; tổ chức rào đóng ngăn chặn các điểm đấu nối trái phép, tăng cường kiểm soát tải trọng xe…
Ông Võ Trường Giang, Giám đốc Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, nhằm tăng cường đảm bảo ATGT trên các tuyến đường, nhất là các tuyến đường quốc lộ trong thời gian tới, Khu QLĐB III và Sở GTVT, Ban ATGT các địa phương đã thống nhất đưa ra các giải pháp căn cơ.
Cụ thể như, Sở GTVT, Ban ATGT các địa phương khẩn trương phối hợp rà soát các điểm giao cắt, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy hoạch các điểm đấu nối các tuyến trong mạng lưới giao thông của tỉnh theo đúng quy định; tạo thuận lợi cho các dự án liên quan đến đấu nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản phân định trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã về việc thực hiện chức trách của mình trong việc quản lý, tuyên truyền, phát hiện vi phạm, xử lý hiệu quả các vi phạm trong đất dành cho đường bộ, ngăn chặn đấu nối trái phép, không đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Triển khai các kế hoạch tuyên truyền, vận động cá nhân/tổ chức khắc phục các vi phạm, sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ, kể cả đấu nối trái phép; tổ chức buộc khắc phục, cưỡng chế đối với các trường hợp chống đối, chây ì.
Địa phương cần bổ sung ranh giới bảo vệ các tuyến thoát nước trên địa bàn. Đối với các quy hoạch khu dân cư 2 bên tuyến cần có ý kiến xác định rõ và bảo vệ nghiêm ngặt các tuyến thoát nước các cống ngang. Với các tuyến mới cần có ý kiến đề nghị chủ đầu tư thực hiện hoàn chỉnh việc thu hồi và bảo vệ nghiêm ngặt hành lang các tuyến thoát nước trong suốt quá trình đầu tư xây dựng và bàn giao đúng hiện trạng bảo vệ cho đơn vị quản lý, khai thác.
Khu Quản lý đường bộ III thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đăk Nông. Khu Quản lý đường bộ III quản lý tổng số 2.630 km/12 tuyến quốc lộ, trong đó Nhà đầu tư BOT/doanh nghiệp dự án trực tiếp quản lý, bảo trì và thu phí 732 km.
Ngoài ra, Khu Quản lý đường bộ III còn thực hiện quản lý nhà nước một số nhiệm vụ được giao khác (kiểm tra, hướng dẫn, phê duyệt dự án bảo trì, quyết toán dự án hoàn thành...) đối với công tác quản lý bảo trì 2.556 km/22 tuyến quốc lộ được Cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền cho 10 Sở GTVT trực tiếp quản lý, bảo trì.