Bàn giải pháp để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn vay tín chấp

Liệu có giải pháp đột phá nào để cho doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận được vay tín chấp, trong khi doanh nghiệp đã hết tài sản đảm bảo? Đây là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố lần thứ 246 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Ngân hàng nhà nước, chi nhánh TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/6.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phát biểu tại buổi đối thoại.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phát biểu tại buổi đối thoại.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Khánh Trang cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, hàng nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh do không bán được hàng, cạn kiệt nguồn tiền, không có tài sản thế chấp dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Đại diện doanh nghiệp này nhận định, việc nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải tạm dừng do đã hết tài sản đảm bảo. Con đường duy nhất của các doanh nghiệp là vay tín chấp, tuy nhiên vay tín chấp thường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm các thủ tục, hổ sơ, thẩm định và cũng như suất cao.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng các ngân hàng thương mại cho vay phải đảm bảo đúng quy định về điều kiện tín dụng cũng như các quy định khác để đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Do đó, không có quy định ngân hàng thương mại không được cho vay tín chấp doanh nghiệp, cũng không có quy định cụ thể làm thế nào để được ngân hàng cho vay tín chấp.

"Trong trường hợp này, việc cho vay tín chấp tiềm ẩn rủi ro nếu khoản vay mà khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng thương mại bị mất vốn (có thể nói gần như mất trắng 100%). Mỗi ngân hàng thương mại sẽ có đánh giá cụ thể và yếu tố "niềm tin" của ngân hàng đối với khách hàng là vấn đề mấu chốt; điểm đánh giá khách hàng của ngân hàng hay dòng tiền thu – chi của khách hàng có 100% qua sự quản lý của ngân hàng cũng là mấu chốt để ngân hàng quyết định cho vay tín chấp…", Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nếu doanh nghiệp đang quan hệ tốt với ngân hàng thương mại nên thông qua sự tư vấn của chính ngân hàng thương mại đó để được xem xét việc cho vay tín chấp khi mà khách hàng đáp ứng được các điều kiện cho vay. Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh: "Đây chỉ là một trong các khả năng vì còn rất nhiều yếu tố khác trong quá trình đánh giá khách hàng để cho vay của ngân hàng như hiệu quả dự án, tình hình tài chính, khả năng trả nợ….".

Dưới góc độ Câu lạc bộ Thép TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đinh Công Khương đồng tình với Thông tư 02 của Ngân hành Nhà nước Việt Nam khi giữ nguyên nhóm nợ. nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gặp khó khăn tìm đến ngân hàng đề xuất hưởng chính sách cơ cấu thời gian trả nợ theo quy định cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế hàng hóa không bán được, tồn kho tăng, dòng tiền cạn…, doanh nghiệp làm sao có tiền để trả nợ đúng hạn.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Hiền, đại diện Công ty trách nhiệm Nhà ở xã hội Việt Nam chia sẻ về việc đang có tài sản (là bất động sản) đã thanh toán 95% giá trị căn hộ nhưng do chủ đầu tư chưa ra sổ nên chỉ có hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, khi đem hợp đồng mua bán đến ngân hàng để thế chấp nhằm bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp đều bị phía ngân hàng từ chối và hướng dẫn vay vốn dưới vai trò cá nhân.

Đại diện doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung, Quận 7, TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi đối thoại.

Đại diện doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung, Quận 7, TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi đối thoại.

Đại diện Công ty trách nhiệm Nhà ở xã hội Việt Nam bày tỏ, không vay được cũng khó mà vay được cũng khó bởi nguy cơ tăng lãi suất cho vay, nhất là khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng trở lại. Nhiều khả năng thời gian tới, lãi suất cho vay cũng khó có thể đứng yên…

Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật. Theo đó, ngành ngân hàng nhà nước đang thực hiện tốt truyền thông về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh doanh nghiệp từ lãi suất, cơ cấu lại nợ, giải ngân các gói tín dụng ưu đãi.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu khó khăn về chính sách sẽ kiến nghị để chỉnh sửa chính sách cho tốt hơn. Đối với các yếu tố khó khăn thuộc hành chính sẽ tiến hành cải cách để việc triển khai đạt hiệu quả hơn. Nếu khó khăn thuộc yếu tố doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo các nguyên tắc, đáp ứng các điều kiện tín dụng, lúc này mới phát huy hiệu quả dòng vốn, hạn chế tình trạng nợ phát sinh.

"Những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng cần phản ánh trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sẽ chỉ đạo trực tiếp ngân hàng cho vay trả lời cụ thể và nêu rõ lý do cho vay được hay không. Riêng những khó khăn, vướng mắc cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sẽ tổ chức gặp mặt 3 bên (Ngân hàng Nhà nước - Doanh nghiệp - Ngân hàng thương mại) để từng bước tháo gỡ cụ thể từng khó khăn", Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cam kết và chia sẻ số điện thoại, email để doanh nghiệp chủ động liên lạc.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 5, tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 1,93% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do sức hấp thụ vốn còn yếu.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ban-giai-phap-de-doanh-nghiep-nho-tiep-can-von-vay-tin-chap-20240614183413006.htm