Không để vốn 'chôn' trong vàng

Chỉ khi người dân nhận ra rằng, việc để vốn 'chôn' trong vàng không có lợi bằng đem tiền đầu tư vào nền kinh tế, thì khi đó lượng vàng trong dân mới có thể chảy vào nền kinh tế.

Thị trường vàng vẫn cần những giải pháp căn cơ để phát triển ổn định, bền vững. Ảnh: M.H.

Thị trường vàng vẫn cần những giải pháp căn cơ để phát triển ổn định, bền vững. Ảnh: M.H.

Đó là nhận định được đưa ra trong bản Kiến nghị chính sách quý II/2024 do Trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện, trong đó chú trọng đến các giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững.

Giảm thiểu can thiệp hành chính

Theo các chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sớm sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ theo hướng không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính, chỉ quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể: Không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân.

Nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển gắn liền thị trường vàng với thị trường hàng hóa, thị trường tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập kinh tế. Không thể tách rời mà phải làm sao biến thị trường vàng thành một cấu thành của thị trường tài chính, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo các chuyên gia, NHNN cần có các biện pháp nhằm loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là giá vàng SJC, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng: Xem xét cho một số DN được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế.

NHNN xem xét cho phép DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho DN là cần thiết. NHNN nên đưa ra phương án hỗ trợ các DN vàng trong nước được tiếp cận với nguồn vàng nhập khẩu để các DN có sự lựa chọn về nguồn cung đầu vào, giúp nâng cao chất lượng về sản phẩm cuối cùng.

Bên cạnh đó, chính sách mở cửa vàng nguyên liệu còn tạo động lực cho các DN trong nước có cơ hội được được hợp tác với các DN quốc tế nhằm học hỏi lẫn nhau và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là động lực để khối DN tư nhân yên tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại trong quá trình sản xuất, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đề nghị đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0%

Đó là đề xuất được các chuyên gia đưa ra trong bản kiến nghị. Theo đó, thuế suất bằng 0% sẽ giúp sản phẩm vàng trang sức – mỹ nghệ của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các quốc gia khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vì các nước này cũng đều đang áp thuế 0%.

Bên cạnh đó, theo khuyến nghị của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nên sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn.

Hiện nay, thị trường vàng Việt Nam là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng kỳ hạn thì không được phép thực hiện do không có quy định. Điều 19 Nghị định 24 đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và NHNN cấp giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật. Để phát triển thị trường vàng, Việt Nam cần sớm chuyển đổi sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn.

Cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng. Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ, là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do NHNN phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của NHNN và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.

Trong dài hạn, nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.

Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn vật chất quan trọng này đối với nền kinh tế.

Cuối cùng là thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân cư. Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,..) trên một trung tâm giao dịch tập trung.

Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-de-von-chon-trong-vang-10284474.html